Tính toán kỹ giao thông đô thị

Những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… hiện có nhiều địa bàn dày đặc các cao ốc, được ví như những “rừng bê-tông”.

Những bất cập, hệ lụy về nhiều mặt từ tình trạng quá tải cao ốc, chung cư cao tầng lâu nay đã được chỉ rõ. Nhiều giải pháp được đề xuất không phải không có tính khả thi. Nhưng điều lạ là việc triển khai các giải pháp thường có xu hướng chậm hơn tốc độ mọc lên của các tòa nhà mới.

UBND TP Hồ Chí Minh gần đây đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết tình hình này. Thành phố đang có chủ trương quy định các dự án xây dựng cần nghiên cứu về tình trạng, mật độ giao thông trên địa bàn, có phương án kết nối giao thông, tính toán sự phát sinh nhu cầu đi lại của cư dân sở tại, cư dân mới. Các công trình lớn phải được bổ sung đánh giá tác động giao thông từ khi quy hoạch, lập dự án, căn cứ từ quy mô đầu tư để có các biện pháp giảm tiêu cực… 

Đánh giá về thực trạng giao thông, những tác động giao thông nếu cao ốc mọc lên là điều rất cần thiết. Có những ý kiến cho rằng, việc này lẽ ra phải làm từ lâu. Nhưng muộn còn hơn không. Hy vọng những yêu cầu mới của thành phố sẽ được áp dụng chặt chẽ, khoa học, kiên quyết, để mỗi công trình cao tầng muốn xây dựng phải đáp ứng đủ các đòi hỏi từ thực tế về sự kết nối đường đi lối lại, không gây thêm ùn tắc, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân, tránh để trở thành những tác nhân gây thêm áp lực lên không gian đô thị vốn đã chật hẹp, ngột ngạt.

Quyết tâm rà soát, chấn chỉnh của TP Hồ Chí Minh, là những kinh nghiệm hay để những đô thị lớn hay những địa bàn đã, đang phát triển nhiều cao ốc tham khảo. Cũng từ đó, cần tiếp tục rà soát kỹ để với những địa bàn vốn đã tồn tại khu đô thị, chung cư có mật độ dân số cao, quá cao, đang quá tải hạ tầng, hay ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì nên hạn chế việc tiếp tục cho mọc lên các cao ốc mới. Song song đó, cần chú trọng việc triển khai các giải pháp mở rộng, bổ sung, cải tạo, kết nối đường giao thông; có biện pháp giãn dân, từng bước giảm mật độ người, mật độ phương tiện…