Tín hiệu từ đời sống

Như một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ và càng được đòi hỏi mạnh hơn trong bối cảnh dịch bệnh - vốn dẫn đến sự ngăn cản nhiều hoạt động tương tác trực tiếp, các hoạt động kết nối trực tuyến trên không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự chuyển hướng thấy rõ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, là rất nhiều tín hiệu đến từ đời sống văn nghệ.

Những bài ca được ghi âm, ghi hình nghệ sĩ biểu diễn; những bức tranh được chụp lại; nhiều triển lãm tranh số hóa tác phẩm; các bài thơ, truyện, ghi chép, nhật ký mùa dịch; nhiều tác phẩm nhiếp ảnh…, khá phong phú các tác phẩm, tài nguyên văn nghệ đó đang được thể hiện trên các website, các trang mạng cá nhân, các nhóm, các cộng đồng nhỏ và được công chúng đón nhận. Thời gian qua, thêm nhiều nhà xuất bản, nhà sách chọn hình thức online để quảng bá, phát hành tác phẩm, ấn phẩm trong bối cảnh dịch bệnh làm hoãn, hủy các liên hoan, hội chợ sách. 

Tuy nhiên, dễ nhận thấy xu hướng tự phát, nhỏ lẻ, riêng rẽ của việc khai thác thế mạnh môi trường mạng cho việc duy trì đời sống văn nghệ trên các khía cạnh quảng bá, trình diễn và thưởng thức. Đã có những thử nghiệm và thể hiện cuốn hút qua hình thức trực tuyến, để công chúng dù giãn cách hay hạn chế đi lại vẫn có điều kiện tiếp cận nghệ thuật. Nhưng vẫn còn đó, những chậm trễ, bất cập nhất định trong việc thiết lập, mở đường, tạo hành lang cho văn nghệ online phát triển từ phía văn nghệ sĩ, các đơn vị văn hóa nghệ thuật, từ ngành văn hóa. Mà ở đây, từ một số thí dụ đã có của giới nghề, rất cần vai trò kiến tạo, ủng hộ, khích lệ của các nhà quản lý, của ngành văn hóa. Không chỉ ở vấn đề thúc đẩy văn học nghệ thuật hưởng ứng cuộc chiến chống dịch bệnh, mà rộng hơn, là tiếp tục sáng tạo mạnh mẽ, lan tỏa với nhiều chủ đề, đề tài đa dạng, trên đường băng của công nghệ thông tin, truyền thông.

Và như vậy, thì cần việc xây dựng chính sách cho văn nghệ trong môi trường online để thử nghiệm, để bắt nhịp, để nở rộ hơn. Muốn vậy, hoặc theo định hướng đặt ra, còn cần phải có các nội dung mở đường, khơi gợi, khuyến khích và những hình thức hỗ trợ, đầu tư, ghi nhận thiết thực. Chính trong bối cảnh khó khăn này, khi cả xã hội đang phải nỗ lực đối phó dịch bệnh, ngành văn hóa cũng cần vận dụng thực tế để nghiên cứu và từng bước mở những lối đi rộng rãi hơn cho “nhịp sống online” của văn nghệ, văn nghệ sĩ. Nhịp sống này không phải ở tương lai nữa, mà đó chính là cây lá của hiện tại đang cần được chăm sóc, nuôi dưỡng.