Thiên tai do... con người!

Rất nhiều người bị ấn tượng, truyền nhau những bức ảnh về sự to lớn, kỳ bí và sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên, mà khi đối diện, con người thật nhỏ bé! Với những bức ảnh miêu tả thảm họa động đất, sóng thần…, con người hiện lên thật đau thương, mỏng manh giữa những bờ biển xơ xác, những đô thị biến dạng…

Cũng sẽ gây những ấn tượng buồn và khơi câu hỏi dai dẳng, khi chúng ta xem những bức ảnh sạt lở đường nhựa, đá lớn lăn kín chặn đường trên vùng cao, những ảnh có ngôi nhà bị khối bùn đất khổng lồ đè ngập, những mái nhà nhô lên giữa lũ, cả những bức ảnh người người đi xe máy ngập nước trong đô thị mang đặc điểm “triều cường”, những ảnh hầm để xe ngập nước ở đô thị mà mưa lớn một cơn “phố đã thành sông”.

Đánh giá sức tàn phá của thiên nhiên tàn khốc, đáng sợ, nhưng giới nghiên cứu đã chỉ ra, trong những thảm họa đổ lên đầu mình, chính con người không vô can khi khai thác thiên nhiên cạn kiệt, hoang hóa, làm biến dạng núi rừng, biến đổi khí hậu. Và nhìn từ xa xôi mà thu về gần, phải chăng chúng ta cũng “góp phần” vào những cảnh tượng bừa bộn của sập đổ, nổi trôi, của tràn ngập và tắc nghẽn mỗi khi mưa to gió lớn, mỗi mùa mưa bão đến?

Rừng bị phá, ao hồ bị lấp, bị thu hẹp, chung cư, nhà cao tầng mọc lên dày đặc quanh phố phường…, chính là bàn tay con người đã chặt phá, san lấp, đã xếp đặt và tạo dựng dồn nén, để gây khó, gây khổ cho chính đời sống cộng đồng của mình. Và như thế, chẳng phải nhìn đi đâu xa để lo lắng, để hoảng sợ về những cuộc tàn phá khủng khiếp trên thế giới. Mà ngay ở đây, chúng ta đã có thể bàng hoàng về những cuộc tiến công của thiên nhiên có bàn tay con người… vẽ đường. Đáng sợ nữa, khi không phải chờ một sự tích tụ, dồn nén nào đó thật lâu của các yếu tố tự nhiên, mà những “đòn đánh” đó, đã trở nên thường xuyên, theo sự tích tụ, dồn nén của con người.

Thiên tai, bất trắc còn do chính con người gây nên. Là thiên tai, nhưng đó có khi chỉ là chiếc áo khoác của thủ phạm mang tên “nhân tai”. Không thể luận tội thiên nhiên. Nhưng những hành vi phá hoại, khai thác thiên nhiên quá mức, những sai trái và yếu kém mà con người gây nên, có thể đánh giá thiệt hại, tìm nguyên nhân, xác định và xử lý “thủ phạm”. Và làm như thế, để nhằm chống lại, giảm nhẹ những thiệt hại khi thiên tai xảy ra, đặc biệt, để kìm hãm, ngăn ngừa sự gia tăng của các yếu tố “nhân tai” đang ngày càng khó kiểm soát.