Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa khai mạc với nhiều nội dung đề cập những vấn đề rất lớn, hệ trọng của đất nước. Trong đó, có việc cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, ở các tỉnh, thành phố nói riêng đã đạt những kết quả đáng kể. Đông đảo nhân dân đều đồng tình ủng hộ và mong muốn công tác này được tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. 

Qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới cơ sở, đã phát hiện nhiều sai phạm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đã có nhiều cá nhân, đơn vị phải nhận hình thức kỷ luật. Có trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, phải xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự. 

Xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. Như vậy, nội dung của Đề án trên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt hơn của Đảng nhằm giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thêm chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương tới địa phương. Từ đó, nhiệm vụ này sẽ lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đội ngũ cán bộ ở các tỉnh, thành phố; sẽ được thực hiện thường trực, liên tục hơn trong công tác quản lý, lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội nói chung ở địa phương. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có thể được coi như “cánh tay nối dài” của Trung ương nhằm kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở, thể hiện sự đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng cần nhận thấy rằng, đối với những vụ án,  vụ việc phức tạp, được dư  luận quan tâm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang xử lý một cách sát sao, mạnh mẽ và kiên quyết. Đối với những vụ việc ở địa phương, thì địa phương phải chủ động chỉ đạo xử lý, không xử lý được, thì Trung ương cũng sẽ vào cuộc. Càng như vậy, với những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nảy sinh, tồn đọng ở các địa phương, thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở địa phương đó càng phải đấu tranh, xử lý một cách chủ động, thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa. Đó cũng chính là, nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một cách quyết liệt, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. 

Được biết, qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tin rằng, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đây sẽ là một trong những nội dung được bàn thảo cẩn trọng, chặt chẽ trên tinh thần đồng thuận và quyết tâm cao.