Những kinh nghiệm chống dịch ở Bình Dương

Cho đến ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nhất với 315.088 ca. Cùng thời điểm này, tỉnh Bình Dương có 166.075 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Bình Dương là địa phương bị dịch Covid-19 nặng nhất cả nước.

Theo tính toán của GS, TS Nguyễn Thiện Nhân công bố thời điểm 1/9, tỷ lệ nhiễm của Bình Dương cao gấp gần 12 lần bình quân cả nước và gấp gần 2,5 lần so với TP Hồ Chí Minh. So với TP Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng y tế của Bình Dương kém xa cả về trang thiết bị lẫn con người. Nếu TP Hồ Chí Minh bị quá tải hệ thống y tế bởi lượng bệnh nhân quá lớn thì chắc chắn Bình Dương cũng chịu sự quá tải gấp vài ba lần.

Quá tải được coi là nguyên nhân quyết định khiến cho tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân SARS-CoV-2 của TP Hồ Chí Minh lên đến 4,2%, hơn gấp đôi mức trung bình của thế giới là 2,1%. Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, tỷ lệ tử vong chỉ là 0,8%.

Hiện nay, Bình Dương vẫn áp dụng mô hình tháp ba tầng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng chỉ mới hoạt động hơn 50% công suất, hoàn toàn không bị đe dọa nguy cơ quá tải. Cho đến nay, nhiều địa phương của Bình Dương đã hạ từ “vùng đỏ” xuống “vùng xanh”. Số ca F0 trong cộng đồng chỉ chiếm 3,4%. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Trong những ngày qua, số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới ở Bình Dương vẫn tăng cao, chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh. Đối phó với dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, Bình Dương đang tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng như huy động tổng lực sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các đoàn chuyên gia y tế các địa phương tình nguyện tham gia chống dịch. Trong cách chống dịch của Bình Dương chắc chắn có những kinh nghiệm để các địa phương khác có thể tham khảo. Thành công bước đầu trong chống dịch của Bình Dương tạo niềm tin cho giai đoạn dần mở cửa sống chung với dịch và kế hoạch khôi phục kinh tế, xã hội trong thời gian tới khi dịch bệnh dần được kiểm soát.