Ngành văn hóa vui xuân thời Covid

Những phán đoán, nhận định về một dịp Tết xuân tiết kiệm, thích ứng đang được nhìn thấy rõ hơn trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh vẫn lây lan mạnh. Và dù số ca nặng có giảm so trước kia, thì nguy cơ lây nhiễm, kể cả với người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine, vẫn khiến nhiều địa phương nghi ngại. 

Đã lây nhiễm rộng ở cộng đồng thì dù có hay không rõ triệu chứng, cũng gây xáo trộn lớn trong đi lại, đời sống sinh hoạt ở cơ sở, hoạt động xã hội, văn hóa ở địa phương.

Thực tế là cùng với xu hướng “Tết giản dị”, nhiều địa phương đã và đang có chủ trương tiếp tục dừng các lễ hội, áp dụng nghiêm các quy định phòng, chống dịch tại các di tích, điểm thờ tự, địa chỉ biểu diễn nghệ thuật, vui chơi, giải trí, du lịch. Như thế, là lại có thể dự báo về cả một dịp Tết xuân “giản tiện” về văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Và nhu cầu thưởng lãm, sinh hoạt văn nghệ của người dân lại tiếp tục được “đáp ứng” trên… màn hình, với các chương trình chủ yếu do nhà đài phối hợp thực hiện. 

Nhưng như thế, không nên có nghĩa rằng cứ… yên tâm là như vậy! Nên chăng lại có câu hỏi mới đặt ra với ngành văn hóa từ cấp trung ương cho đến các địa phương về trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong việc kiến tạo, khởi xướng, triển khai, gợi mở, cung cấp cho nhân dân những “món ăn” văn hóa nghệ thuật với hình thức phù hợp trong tình hình thích ứng này. Không nên như quãng thời gian dài trong năm 2021, dịch bệnh khiến cho rất nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật của các đơn vị, địa phương bị tê liệt, trì hoãn, cầm chừng. Và dù đã có những cuộc trao đổi về việc trong bối cảnh dịch bệnh nên sáng tạo, đổi mới hoạt động như thế nào, thì vào dịp cuối năm, tổng kết nhiều mặt cũng cho thấy văn hóa văn nghệ ở không ít nơi, không ít đơn vị đã phải chịu một năm… thất bát.

Nhìn lại thực trạng đó, và câu hỏi trước mắt, để thấy rằng, trong thời điểm này, không nên… nhìn mùa xuân trôi qua… lặng lẽ với những lý do tiếp tục được… thông cảm, là dịch bệnh vẫn phức tạp; đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng không được khởi sắc. Cả một xu thế thích ứng bằng công nghệ số; bằng kho dữ liệu, tác phẩm, sản phẩm văn hóa văn nghệ đã, đang được xây dựng; hình thức tham quan, thưởng lãm trực tuyến; rồi sự xen kẽ linh hoạt trực tuyến-trực tiếp; các hoạt động, sự kiện có thể diễn ra trực tiếp trong điều kiện cho phép để phục vụ công chúng; sự phối hợp giữa ngành văn hóa với các đơn vị truyền hình, truyền thông, trên các nền tảng mạng xã hội… Và đặc biệt, đông đảo các nghệ sĩ mòn mỏi chờ đợi được làm nghề thời gian dài, luôn khao khát cơ hội biểu diễn, tương tác với công chúng dù trực tiếp hay trực tuyến. Những cánh cửa đó, lực lượng đó, liệu đã đủ để ngành văn hóa, nghệ thuật các cấp huy động, tổ chức, xây dựng những món ăn tinh thần phù hợp hướng về công chúng rộng rãi? 

Không nên để Tết xuân trôi qua… lặng lẽ…