Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát

Nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… đã được chất vấn, bàn thảo tại nghị trường Quốc hội, tiếp tục cho thấy sự cần thiết, liên tục về công tác giám sát của cơ quan đại diện cử tri và nhân dân cả nước. Đặc biệt, là yêu cầu giám sát từ sớm, từ đầu đối với những công việc lớn của đất nước, trong các lĩnh vực, vùng miền, địa phương.

Thực tế, các nội dung được đưa ra để đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ và trao đổi, góp ý với các ngành, đều là những chủ điểm nổi bật, được xã hội quan tâm, phù hợp từ yêu cầu thực tiễn, phản ánh nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Trong đó có cả những nội dung về không ít vụ việc tiêu cực đã xảy ra, về những tồn đọng chưa được giải quyết triệt để, những thực trạng, hiện tượng đã, đang gây bức xúc trong xã hội. Trong các hình thức hoạt động giám sát thì chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và được coi là công cụ giám sát mạnh nhất của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hoạt động chất vấn thể hiện không khí dân chủ, thẳng thắn, mang tính xây dựng, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri cả nước. Hoạt động chất vấn cũng chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề cần được lưu tâm giải quyết, cũng là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, tạo sự đồng thuận trong xã hội…

Với Hội đồng nhân dân các cấp, vai trò giám sát của các cấp này cũng rất quan trọng.

Thực tế nếu hoạt động, công tác giám sát được triển khai thật sâu sát, chặt chẽ từ cơ sở tới trung ương, thì sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến thực tế, nhất là trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn, phát hiện kịp thời những nguy cơ thiếu sót, vi phạm, sai phạm của các cá nhân, tập thể đang tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng đất nước là công cuộc to lớn, lâu dài, Đảng và Nhà nước chủ trương huy động sức mạnh toàn dân, tiềm lực của mọi thành phần kinh tế. Cần phải tăng cường giám sát để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế, ngăn chặn kịp thời những sai sót, bất hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cấp, ngành… tránh khả năng xảy ra những tổn thất đáng tiếc về cả vật chất, niềm tin và cả con người.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, trong các lĩnh vực được triển khai ở các địa phương, với sự phối hợp giữa trung ương, các bộ, ngành, địa phương. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của các địa phương cũng như vậy, có sự định hướng từ trung ương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành. Bởi thế, công tác giám sát cũng cần bám chắc vào cơ chế và quá trình phối hợp, hợp tác đó để thực hiện giám sát một cách bao quát, có tập trung, có chủ điểm, kịp thời phát hiện những bất cập. 

Cùng với đó, cần thúc đẩy việc xây dựng, phát huy những cơ chế thuận lợi cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Từ đó, giúp các cơ quan dân cử thực hiện thường xuyên và hiệu quả vai trò giám sát của mình, kịp thời trao đổi, góp ý với các bộ, ngành, địa phương về việc bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuân thủ pháp luật và thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực, ngành nghề, địa phương mình.