Mở ra "đường băng" thông suốt

Dự thảo hướng dẫn việc sống chung với dịch Covid-19 đang được xây dựng và lấy ý kiến từ các địa phương. Từ nhiều ý kiến đóng góp cho thấy một số vấn đề cần được điều chỉnh để dự thảo mang tính bao quát, thích ứng toàn diện hơn, tránh đi vào những chi tiết quá cụ thể.

Dự thảo đưa ra nhiều điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Nhưng trên thực tế, khi triển khai quá nhiều điều kiện cùng lúc sẽ rất dễ dẫn tới khó khăn hoặc kém thích ứng, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu khác. Ngoài ra, khi phải giám sát nhiều điều kiện thì công tác kiểm soát sẽ khó khăn, trong khi chúng ta không đủ lực lượng, kỹ thuật, thời gian kiểm soát.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23-9, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sáu nguyên tắc quán triệt để xây dựng  dự thảo: 1/ Y tế là trụ cột, là trung tâm; 2/ Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; 3/ Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; 4/ Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; 5/ Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; 6/ An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. 

Như vậy, có thể thấy có ba điều kiện mang tính “hàng rào kỹ thuật” để cho phép việc thích ứng và linh hoạt trong tình hình mới, đó là điều kiện về vaccine, thuốc chữa bệnh, ý thức người dân. Như vậy, nên chăng dự thảo cần hướng dẫn khu vực hoặc địa phương có tỷ lệ tiêm phòng bao nhiêu, có cơ số thuốc chữa bệnh bao nhiêu trên 1.000 dân, trên 10.000 hoặc trên 100.000 dân thì được phép thực hiện thích ứng, linh hoạt. Về vấn đề ý thức người dân, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…

Cùng với các điều kiện “hàng rào kỹ thuật”, còn ba điều kiện mang tính nguyên tắc thống nhất có tính tiên quyết: 

Thứ nhất, “y tế là trụ cột, là trung tâm”. Để bảo đảm nguyên tắc này cần có cơ chế phối hợp tốt giữa lực lượng y tế và chính quyền các cấp. 

Thứ hai, “kinh tế là cơ sở, là nền tảng”. Dự thảo cần đưa ra được những hướng dẫn chung nhất để bảo đảm sản xuất không còn vướng mắc, lưu thông được thông suốt. Đưa ra nguyên tắc chung, còn liên quan ngành nào, địa phương nào, thì ngành, địa phương đó có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai, kịp thời điều chỉnh các chi tiết hợp lý để phối hợp.

Thứ ba, “dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt”, dự thảo cần có các hướng dẫn, cách thức chung nhất để sử dụng và ứng dụng các “chìa khóa” này để kết nối, giải phóng thời gian, sức lao động trong toàn xã hội.

Hy vọng, qua quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, dự thảo hướng dẫn việc sống chung với dịch Covid-19 sẽ mở ra “đường băng” thông suốt, để các ngành, địa phương biết cách thích ứng an toàn và cất cánh linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.