Lương tối thiểu và thực tiễn

Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động vừa được ban hành. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng từ ngày 1/7 tới đây.

Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Đây cũng là căn cứ để lãnh đạo các doanh nghiệp đàm phán mức lương đối với người lao động.

Theo điều tra từ thực tế cho thấy, quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất chi trả cho người lao động, chủ yếu chỉ để lấy làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khảo sát từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được công bố trên phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu vùng, nhưng từ phía người lao động thì mức lương này cơ bản còn thấp, chưa đủ trang trải cho cuộc sống.

Trả lời báo chí, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: “Khi tôi đi gặp người lao động, công nhân họ hay nói với tôi bây giờ mức lương thấp quá. Nhưng bên quản lý cho biết, mức lương đã trả cao hơn lương tối thiểu vùng”. Ông Tiến cũng nhận định thực tế là có sự khác nhau giữa khái niệm và thực tiễn giữa mức lương tối thiểu, lương cơ bản và lương để đóng bảo hiểm.

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người lao động, rất cần các cơ quan chức năng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tìm hiểu kỹ lưỡng và có những đánh giá dựa trên thực tế về thời gian lao động, chi phí sinh hoạt và giá cả hàng hóa để có căn cứ tính toán mức lương thực thu bảo đảm cuộc sống cho người lao động để họ yên tâm làm việc. 

Cùng với đó, người lao động có thể chủ động đàm phán, trao đổi với người sử dụng lao động về mức lương của bản thân, phù hợp với điều kiện làm việc, nhằm bảo đảm những điều kiện thuận lợi nhất về cả vật chất và tinh thần cho đời sống sinh hoạt. Đây cũng là cách làm minh bạch và văn minh cần thúc đẩy trong quá trình tuyển lao động của các doanh nghiệp cũng như khi người lao động đăng ký tuyển dụng, tìm việc làm. Đó đều là những phương thức quan trọng giúp bảo đảm an sinh xã hội.