Kế hoạch và lộ trình

Thời gian qua, hàng loạt hộ dân ven biển quận Hải An, Hải Phòng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị tống đạt quyết định cưỡng chế vì lý do nuôi ngao trái phép, chồng lấn vào vùng mặt nước đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát hoặc đầu tư khu công nghiệp lấn biển.

Hải An đang sốt vì nhu cầu san lấp mặt bằng lấn biển. Có hai nguồn có thể sử dụng làm vật liệu san lấp, là cát nước mặn và bùn thải nạo vét luồng hàng hải.

Về nguồn nạo vét bùn thải, đã lên kế hoạch hoàn thành trước khi kết thúc năm 2021. Về nguồn cát nước mặn, các mỏ cát được cấp cho một số doanh nghiệp.

Đội quân nuôi ngao, trước đánh bắt thủy sản “trong lộng” theo truyền thống cha ông của họ. Hơn chục năm trở lại đây, kinh tế và kỹ thuật phát triển, các hộ chuyên đánh bắt, phần lớn chuyển hướng sang nuôi ngao, sò huyết theo kiểu: giá trị cao, đầu tư lớn.

Nghề nuôi ngao bội thu, khiến cả chính quyền lẫn người dân phấn khởi. Nhưng con ngao vừa “bén duyên với cát”, thì đến thời Hải Phòng chào đón những khu công nghiệp lấn biển hàng nghìn ha. Chính quyền giao đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu công nghiệp lấn biển. Các khu công nghiệp lấn biển cũng đã tiếp nhận. 

Tuy nhiên, đến lúc các khu công nghiệp lấn biển cần mặt bằng thi công, họ mới tá hỏa vì “vẫn bị” các hộ nuôi ngao “chiếm dụng” mặt nước. Trong khi đó, các hộ nuôi ngao lại cho rằng, họ vẫn canh tác trên ngư trường truyền thống, chưa từng nhận được công bố thông tin giao, cấp đất từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp, cũng như chưa từng tiếp nhận bất kỳ động thái phân định mốc giới nào.

Sau nhiều những trao đổi, gặp gỡ, bàn thảo, đến ngày 10/9/2021, các cấp chính quyền và doanh nghiệp tại Hải An, Hải Phòng cũng lần đầu tiên công bố đầy đủ thông tin tới các hộ dân và hoàn thành phân định ranh giới trên thực địa.

Vấn đề là sau khi công bố ranh giới trên thực địa được 45 ngày, thì đến ngày 25/10/2021, UBND quận Hải An ban hành một loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm vào các hộ dân mới vừa cùng họ ký tên vào biên bản phân định mốc giới chưa ráo mực. Đằng sau quyết định xử phạt hành chính là cưỡng chế di dời tài sản. Đằng sau cưỡng chế di dời tài sản là hàng nghìn tấn ngao còn chìm dưới biển sâu chưa kịp thu hoạch.

Người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên vùng nước ven biển là thực tế tồn tại nhiều đời, trên cả nước chứ không riêng Hải Phòng. Chính sách của Nhà nước chưa đưa họ vào đối tượng được đền bù, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng. Nhưng trong quá trình người dân Hải An nuôi ngao, chính quyền địa phương cũng không có động thái ngăn cản. Do đó, khi thành phố tiến hành giải phóng mặt bằng đã phát sinh tài sản và quyền tài sản của dân. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Người dân muốn di chuyển tài sản là hàng nghìn tấn ngao khi thành phố buộc họ di dời, nhưng ngao đã quá lớn để làm giống và còn quá bé để làm thương phẩm nên chưa xuất bán được. Hải An muốn gấp rút có mặt bằng cho các mục đích kinh tế, nhưng lại chưa giải quyết hài hòa những kế hoạch và lộ trình của quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, xung đột lợi ích đang có chiều hướng phức tạp. 

Để thực hiện thành công những kế hoạch lớn và lộ trình dài, cần có những bước đi phù hợp trong thực tiễn. Trong đó, điều quan trọng nhất là việc công bố công khai kế hoạch, lộ trình thực hiện của các cơ quan quản lý, các đơn vị hữu quan để có thể đạt được sự đồng thuận của các bên, nhất là người dân. Chỉ có như vậy, những kế hoạch này mới đáp ứng trúng và đúng yêu cầu đặt ra, bảo đảm thành công lợi ích hài hòa.