Giải cứu nông sản...

Nước ta có nhiều loại nông sản cho chất lượng và sản lượng cao. Nhưng mùa nào thức nấy, chỉ cần mỗi lần xuất hiện những nguy cơ có thể gây ảnh hưởng xuất khẩu hoặc tiêu thụ nông sản, lại thấy bà con khẩn trương với các hoạt động “giải cứu”. 

Chúng ta đã từng “giải cứu” nhiều loại rau củ quả. Những ngày qua, chúng ta cũng bắt đầu tiến hành chiến dịch giúp tiêu thụ vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương). Khi dịch bệnh còn tiếp diễn, khả năng thông thương cho nông sản tiếp tục bị hạn chế, chúng ta đương nhiên sẽ còn tiếp tục phải “giải cứu” nhiều thứ nông sản.

Thiên tai, dịch bệnh là điều bất khả kháng. Trong hoàn cảnh hiện tại, đó là thách thức với tất cả các quốc gia có nhu cầu xuất khẩu bất cứ loại hình sản phẩm nào. Nhất là với nông sản, thứ sản phẩm không dễ bảo quản. Phải bảo quản thật tốt vì nó ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người sử dụng. 

Các “chiến dịch giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều quy mô, từ một khu phố, khu dân cư cho tới cả vùng đô thị. Đối với những sản phẩm thật sự chất lượng, chắc chẳng ai bàn tới giá trị của nó. Tuy nhiên, cũng có không ít sản phẩm được gắn mác “giải cứu» khiến cho người mua phải gánh thêm sự ấm ức khi tham gia hỗ trợ việc tiêu thụ. Dù vậy, mỗi mùa “giải cứu”, những người có tấm lòng vẫn sẵn sàng tham gia với niềm tin rằng, tiêu thụ sản phẩm (đương nhiên là chất lượng phải bảo đảm) cũng sẽ giúp cho nhiều gia đình nông dân, đơn vị sản xuất vơi bớt những khó khăn, vất vả.

Lại nhớ khúc ruột miền trung mỗi mùa lũ lụt. Chẳng có mấy năm mà nhân dân cả nước lại không tự tâm dành lại những đồng lương dù ít ỏi, những khoản tiền nho nhỏ trong ống tiết kiệm, những đồng tiền vất vả của đồng bào chân lấm tay bùn... gửi tới bà con ngày đêm chống chọi với thiên tai. Sự ứng trợ ấy phần lớn được chia sẻ trực tiếp thông qua các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng… Nó còn được gửi gắm bằng niềm tin qua những cá nhân, tổ chức được coi là có uy tín đối với cộng đồng, xã hội. Niềm tin đã giúp cho mỗi cá nhân có nơi để chuyển tải tấm lòng đến với những người không may gặp khó khăn, cơ cực.

Nhắc nhiều tới niềm tin bởi thấy rằng đã có lúc nó bị người ta lợi dụng. Nông sản kém chất lượng bị gắn mác “giải cứu” sẽ khiến cho người ta hờ hững với sản phẩm của người nông dân hai sương một nắng làm ra. Những người có uy tín lợi dụng niềm tin của xã hội vào mình để trục lợi sẽ khiến cho sự hảo tâm đối với con người có khi dần vơi bớt.

Cả xã hội đang chung tay tham gia hỗ trợ những địa phương bị ảnh hưởng do dịch bệnh bằng những việc làm thiết thực. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần lắm những trái tim nhân ái và tấm lòng trung thực, toàn tâm toàn ý vì cộng đồng, xã hội.