Để giải thưởng có tiếng vang hơn

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vừa trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2021. Có 9 giải thưởng cho tác giả xuất sắc của 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; 1 Giải xuất sắc về đề tài phòng, chống Covid-19 và 62 giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố (bao gồm: 3 giải A, 14 giải B, 16 giải C, 27 giải khuyến khích và 2 giải dành cho Tác giả trẻ).

Đây là lần trao giải thưởng đầu tiên của Liên hiệp nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ được đánh giá là phần nào có sự “trẻ hóa” với một số gương mặt thuộc thế hệ kế cận tham gia lãnh đạo công tác của Liên hiệp; và đã nhận được những kỳ vọng bước đầu về sự đổi mới hoạt động trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có công tác của Liên hiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh trong cả năm 2021. Vấn đề sáng tác, quảng bá, xét chọn, thẩm định để trao giải thưởng định kỳ, hẳn cũng không tránh khỏi. 

Một điều đáng băn khoăn từ lâu về các giải thưởng hằng năm của Liên hiệp, là khả năng lan tỏa trong xã hội, tác động đến công chúng. Thường mỗi dịp cuối năm hay đầu năm mới, việc trao giải thưởng của năm vừa qua diễn ra khá nhanh chóng, ít tạo thành sự kiện có tính điểm nhấn, gây được chú ý trong đời sống xã hội hay kể cả giới văn nghệ. Chưa bàn đến câu chuyện chất lượng tác phẩm được giải, mà ngay ở khâu tổ chức, quảng bá, cũng thấy còn có những hạn chế cần thay đổi cách làm. Nếu đã là những tác phẩm được cho là xuất sắc, tiêu biểu, được chọn ra từ nhiều tác phẩm được gửi lên Liên hiệp từ khắp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trong cả nước, thì sự vinh danh, quảng bá các tác phẩm đó rất cần mạnh mẽ, sôi nổi hơn, nhằm giúp cho bạn đọc, công chúng biết đến rộng rãi, có điều kiện tìm hiểu, thưởng thức tác phẩm qua các kênh tuyên truyền, phát hành khác nhau. Và để đáp ứng nhu cầu cần được nhân lên này, ngoài việc trao giải, Liên hiệp Hội cần có các phương thức giới thiệu, quảng bá, cung cấp rộng rãi tác phẩm đến xã hội sau khi trao giải. Như thế, các tác phẩm tiếp tục có điều kiện nhận được sự đánh giá rộng rãi của công chúng bên cạnh sự thẩm định của các hội nghề nghiệp, các hội đồng chuyên môn thuộc Liên hiệp. 

Mặt khác, liên quan đến công tác xét giải, công việc này cần được Liên hiệp chú trọng thực hiện từ sớm, trong cả năm để có sự chọn lựa, đánh giá thường xuyên, tham khảo dư luận về các tác phẩm trong quá trình đi vào đời sống. Không nên chỉ dành vào một quãng thời gian ngắn cuối năm trong tình hình chung nhiều công việc đều đang vội vã. Đặc biệt khi số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật được hội viên các Hội Văn học nghệ thuật ở mỗi địa phương sáng tác, công bố trong một năm là rất lớn. Cần phải dành nhiều thời gian để khảo sát, nắm bắt những tác phẩm nổi bật trong dòng chảy này, hạn chế sót, lọt những sáng tạo đặc sắc, mới mẻ; giúp cho mỗi đợt trao giải phản ánh đầy đủ hơn những nét nổi bật của đời sống văn học nghệ thuật sau một chặng đường mới.