Cuộc chiến chưa đi qua

Chính phủ vừa phát đi Công điện 1677/CĐ-TTg ngày 4/12 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Thời gian qua, đã có nhiều “trận chiến” phòng, chống dịch mà các cơ quan chức năng, địa phương, người dân triển khai hoạt động trên khắp các địa bàn. Tinh thần quyết liệt, thần tốc, linh hoạt, kiên trì, vững vàng bám trụ, đoàn kết và nhân ái... được phát huy mạnh mẽ trong những bối cảnh, hoàn cảnh đầy khó khăn phức tạp. Thời điểm hiện nay, có lẽ chính là lúc đòi hỏi sự sâu sát hơn nữa, linh hoạt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, như Công điện của Thủ tướng lần nữa nhấn mạnh: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

Bởi rõ ràng, sau quãng đỉnh điểm vừa qua của đợt dịch thứ tư, cả nước phần nào “dễ thở” hơn một chút khi dịch có xu hướng giãn ra, số ca mắc mới, số ca tử vong giảm, số bệnh nhân khỏi tăng lên và tỷ lệ phủ vaccine ngày càng lớn hơn. Nhưng khi bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt, thì đà lây nhiễm, sự lan rộng ra nhiều địa phương, tính chất phức tạp của dịch bệnh lại có nguy cơ bùng lại. Những ngày qua, liên tiếp số ca nhiễm trên cả nước ở mức hơn 10 nghìn. Các địa phương từng là điểm “nóng” lại có khả năng “nóng” trở lại. 

Rõ ràng để bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành, lực lượng, thành phần sẽ cao gấp rưỡi, gấp đôi, ba lần trước kia. Thực tế, đã và đang tiếp tục xuất hiện những bất cập mới khi mà không ít nơi, chính quyền, lực lượng chưa “xoay” kịp với sự xâm nhập, lan truyền của virus; tỏ ra thiếu linh hoạt trong việc bám sát, điều chỉnh kịp thời giữa hoạt động y tế và hoạt động quản trị xã hội. Không ít hình ảnh, hiện tượng cho thấy việc phòng tránh đã trở nên đối phó; việc giám sát có dấu hiệu lỏng lẻo, lúng túng trước làn sóng “hồi” trở lại của các hoạt động xã hội sôi nổi, của nhu cầu sinh hoạt đang tăng lên dịp cuối năm. Và cả sự nhọc nhằn, mệt mỏi cần tiếp sức kịp thời của lực lượng y tế tuyến đầu trong bối cảnh những cơn sóng dịch lại tiếp tục ào đến các địa phương, các khu vực cách ly, điều trị, khi mà các lực lượng y tế tình nguyện đã phải rút về xử lý dịch bệnh ở địa phương mình; nhân lực, cơ sở và thiết bị huy động vào chống dịch lại đang đứng trước nguy cơ quá tải…

Không chỉ còn là cuộc chiến đối mặt virus của dịch bệnh nữa, mà đã là cuộc chiến đấu với cả virus và những hệ lụy kéo dài, những hậu quả mới mà nó gây ra. Không còn là những đợt tiến công có quãng cấp tập, có quãng cầm cự và ít nhiều ngơi tay như ba lần trước. Đợt dịch thứ tư này vẫn chưa qua đi, đã và đang cho thấy tính chất “trường kỳ”, dai dẳng của cuộc chiến phòng, chống Covid-19 và vượt qua mọi khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế chưa thôi nhọc nhằn và không ngừng thách đố đối với toàn bộ hệ thống các lực lượng và toàn thể xã hội.