KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2022)

Tinh thần khoan dung và khát vọng hòa bình Hồ Chí Minh

Tinh thần khoan dung rộng lớn và sáng suốt là một trong những dấu ấn đậm nét của con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc Việt Nam. Hôm nay tinh thần khoan dung đó vẫn đang tỏa sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Khoan dung có thể giúp mở những con đường phát triển hòa bình

Thuật ngữ la tolérance - khoan dung xuất hiện sau những cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu thế kỷ 15. Đến nay, khoan dung là một thuật ngữ hiện đại có hàm nghĩa vượt xa nội dung ban đầu của nó. Đó là: Sự chấp nhận ở người khác một cách suy nghĩ hoặc hành động khác với cái mà người ta đã khẳng định trong bản thân mình, là sự tôn trọng tự do của người khác về mặt tôn giáo, về các quan điểm triết học và chính trị. Sự khoan dung không đòi hỏi mỗi người từ bỏ niềm tin của mình, song không được kỳ thị và loại trừ niềm tin của người khác. 

Nhân loại ngày nay có đủ các điều kiện về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và tinh thần để xây dựng một trật tự thế giới tốt đẹp hơn. Song nhân loại cũng đang đứng trước những thách thức lớn của những vấn đề toàn cầu: Ô nhiễm môi trường sinh thái, nạn nghèo đói, đại dịch Covid-19 hoành hành, những cuộc xung đột bạo lực vẫn diễn ra… Lòng thù hận tăng lên ở nhiều nơi đang đòi hỏi thế giới có những hành động chính trị mạnh mẽ, kèm theo đó là cách nhìn về sự chung sống hòa bình giữa những con người, giữa các quốc gia, giữa các nhóm sắc tộc và giữa các tôn giáo. Linh hồn của cái nhìn đó là lòng khoan dung. Sự khoan dung không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó có thể giúp chúng ta tìm ra cách xử lý những vấn đề theo một định hướng tốt đẹp hơn, với tinh thần cởi mở, tiến bộ và hòa bình. Khoan dung có thể giúp chúng ta mở những con đường dẫn tới sự đoàn kết, dẫn tới hòa bình và cùng phát triển.

Người tỏa sáng tinh thần khoan dung

Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân ái, đoàn kết tương trợ, khoan hồng, đại lượng từ lâu đời, trong cộng đồng. Truyền thống đó đã in dấu trong nếp cảm, nếp nghĩ của cộng đồng: “Thương người như thể thương thân”, “Đánh người chạy đi - không đánh người chạy lại”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... Một trong những đặc tính của nền văn hóa dân tộc Việt Nam cũng hay được các học giả nhắc đến là tính năng động, dễ chấp nhận, dung chứa những yếu tố dị biệt, hòa đồng để chung sống và phát triển. Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đã hội tụ và tỏa sáng ở Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí Minh đã kế thừa và nâng truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Ở Người, văn hóa khoan dung luôn tỏa sáng trong tư tưởng, trong tình cảm và trong mọi hành động. Tinh thần khoan dung văn hóa trong tư tưởng của Người đã cống hiến cho nền văn hóa Việt Nam mới cũng như cho văn hóa nhân loại nhiều giá trị. 

Các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của loài người tiến bộ. Nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong lương tâm của nhân loại. Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trong và ngoài nước khẳng định.

Tinh thần khoan dung và khát vọng hòa bình Hồ Chí Minh -0
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh chuyên đề Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. Ảnh:HOÀNG TUYẾT 

Khi nhân dân Việt Nam còn đang phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”1. Và “Nguyện vọng của nhân dân nước Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới”2. Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị khác và mới, để hòa đồng, để phát triển tình hữu nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam nắm chặt bàn tay các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Những luận điểm của Hồ Chí Minh kết hợp hài hòa những điều kiện khách quan (đoàn kết quốc tế, tranh thủ cơ hội) với những yếu tố chủ quan (sức mạnh nội lực của dân tộc) nhằm huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng vẫn mang những giá trị quý báu trong quá trình hội nhập, hợp tác và phát triển. 

Vững tin vào chính nghĩa, lựa chọn hòa bình

Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một nguyên lý cơ bản mới về quyền dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong cục diện phức tạp của quan hệ quốc tế trong những năm giữa thế kỷ 20, quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề quốc tế đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước theo hướng đa phương và đa dạng để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, hướng tới hòa bình và thịnh vượng. Năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”3

Khi cuộc leo thang chiến tranh của Mỹ đang tàn phá đất nước Việt Nam, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người khẳng định chân lý này trên cơ sở lòng tin tuyệt đối vào chính nghĩa, vào hòa bình, vào khát vọng và ý chí thống nhất dân tộc, vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Chân lý này đã không chỉ đi theo dân tộc Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ và hào hùng mà còn đi theo dân tộc Việt Nam trên các chặng đường xây dựng và phát triển đất nước tiếp theo. Gần đây nhất, ngày 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS, Washington D.C) trong chuyến thăm Mỹ: “giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và nếu cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”4. Thủ tướng đã nói lên, phương cách ứng xử và vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế đa phương phức tạp ngày nay, khi các mối bất ổn, xung đột và chiến tranh đang hiện diện. Thế giới ngày nay đã trở thành một “môi trường cộng sinh” về kinh tế và văn hóa. Sự xích lại/và phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế và văn hóa như một xu hướng tất yếu. Đối thoại được kêu gọi thay cho đối đầu. Những điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh với chúng ta trong tư tưởng khoan dung của Người.

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 111.

2- Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd - tập 14, tr 354.

3- Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd - tập 10, tr 12.

4- https://vtv.vn/chinh-tri/thu-tuong-viet-nam-chon-chinh-nghia-su-cong-bang-cong-ly-va-le-phai-20220512183754826.htm.

Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng” (David Halberstam - Hồ - Random house, New York, (1970) - Dẫn lại từ cuốn Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, (2010) - tr.151)