“Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những dấu son cuộc đời”

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Người dân chăm chú lắng nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Bác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Người dân chăm chú lắng nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Bác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ra đi cứu nước

Xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, Hồ Chí Minh sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân. Tuổi học đường của Người gắn bó với những năm tháng quan trường ngắn ngủi đầy trắc trở của người cha Nguyễn Sinh Sắc. Người đã theo cha đến cả ba miền đất nước, biết được cuộc sống khó khăn, tủi nhục của người dân mất nước cũng như thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức, tay sai. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX cũng đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Người để rồi người thanh niên trẻ giàu lòng yêu nước, thương dân đã có một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước.

Người đã chọn phương Tây, đến nước Pháp, muốn xem những gì ẩn giấu đằng sau những mỹ từ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Đại cách mạng tư sản Pháp. Vào ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ thành phố Sài Gòn - Gia Định, với cái tên là “Văn Ba” để xin làm phụ bếp, Người đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx - Lenin

Cuộc hành trình gần 10 năm sau đó đã đưa Hồ Chí Minh đến nhiều vùng đất thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Tháng 7-1920, Hồ Chí Minh tiếp cận, nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm đi theo chủ nghĩa Lenin và con đường của Cách mạng Tháng Mười. Từ một người yêu nước, đến tháng 7-1920, Người đã trở thành người cộng sản yêu nước.

Sau khi được tiếp thu đầy đủ Chủ nghĩa Marx - Lenin, Nguyễn Ái Quốc đã ngày đêm nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Cùng với việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn dày công chuẩn bị về mặt tổ chức để huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925). Chính những thanh niên trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã tham gia phong trào “vô sản hóa” để cùng ăn, cùng ở, lao động, đồng thời truyền bá lý luận Marx - Lenin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác.

Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, ở Việt Nam đã lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Tại Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc), từ ngày 6-1-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng, tính chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Với uy tín và trí tuệ của mình, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập Đảng - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người đã xây dựng Đảng ta theo những nguyên tắc Ðảng kiểu mới của giai cấp vô sản, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Ðảng vừa phát huy được trí tuệ, vừa tập trung thống nhất ý chí hành động của Đảng.

Con đường đến khởi nghĩa

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh đấu một thời kỳ hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những quyết sách quan trọng, thay đổi đường lối chiến lược cách mạng của Đảng, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương, tập trung vào nhiệm vụ: “Đánh đuổi Pháp - Nhật làm cho xứ Đông Dương độc lập”.

Trên mảnh đất địa đầu Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng cho cách mạng: không chỉ thành lập, lãnh đạo Mặt trận, lực lượng quân sự..., mà còn huấn luyện và hướng dẫn lực lượng quân sự cách mạng - những nhân tố quan trọng của căn cứ địa cách mạng.

Sức mạnh của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bùng lên thành bão táp cách mạng. Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, Huế, và Sài Gòn và cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công. Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình đã khai sinh ra một Nhà nước Việt Nam mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có Người trong những thắng lợi vẻ vang

Thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ với dã tâm xâm lược đã không từ mưu mô, thủ đoạn nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam trở thành thuộc địa. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khi kẻ thù có những hành động vượt quá giới hạn cho phép, thì Hồ Chí Minh đã cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đồng lòng, đồng sức, đồng tâm với tinh thần và quyết tâm “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền bắc tiến lên CNXH, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Sinh thời, trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù bận nhiều công việc, nhưng để hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bố trí tiếp dân tại Phủ Chủ tịch; dành thời gian để đi xuống cơ sở, tìm hiểu, “lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”. Những chuyến công tác về địa phương trực tiếp làm việc với nhân dân, đã giúp Người nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, các cuộc gặp gỡ giữa Người với các tầng lớp nhân dân, là dịp để đồng bào trao đổi, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, là cơ sở thắt chặt hơn niềm tin giữa Đảng với dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Ai cũng thấy ở Người sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung, nếp sống giản dị và đức tính khiêm nhường. Cuộc đời Người coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng. Từ lúc làm thợ ảnh ở Pháp, đến khi làm Chủ tịch nước ở Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, khiêm nhường. Hòa bình lập lại, về Hà Nội, tòa nhà Phủ toàn quyền Đông Dương, được gọi là Phủ Chủ tịch, Người dùng để tiếp khách trong nước và nước ngoài. Ngôi nhà sàn đơn sơ dành cho Người có hai phòng nhỏ, chỉ hơn 10 m² là nơi Người ở và làm việc. Tiện nghi chỉ có một chiếc giường đơn chiếu cói, một tủ nhỏ đựng vài bộ quần áo, chiếc bàn để đọc sách, một đôi dép cao-su, cái quạt lá cọ… Một sự giản dị thật vĩ đại, một tinh thần tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Và Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Hơn 50 năm qua, chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh.