Bảo vệ người dân hạ du mùa mưa bão

Trước những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, mỗi mùa mưa bão về, người dân hạ du của các công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ đều chung mối lo về sự an toàn của con người, vật nuôi, hoa màu và tài sản. Thực tế từ hai địa phương có nhiều công trình thủy điện cho thấy tính phức tạp trong công tác vận hành và điều tiết hồ thủy điện. Dù cụ thể, chặt chẽ đến đâu, những quy định về vận hành liên hồ chứa vẫn là chưa đủ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vận hành điều tiết nước trong mùa lũ.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vận hành điều tiết nước trong mùa lũ.

Hơn hai năm, 62 hộ dân vẫn chưa được đền bù

Tỉnh Kon Tum hiện có 28/28 công trình thủy điện vừa và nhỏ hoàn thành. Nhìn chung, các công trình này đều đã lập xong quy trình vận hành hồ chứa và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong các năm gần đây do biến đổi khí hậu, lượng mưa với lưu lượng mưa đều lớn, tập trung trong khoảng thời gian ngắn tạo nên lũ cực đoan ảnh hưởng đến việc vận hành các công trình thủy điện vừa và nhỏ, ảnh hưởng đời sống của nhân dân vùng thượng lưu đập, hạ lưu đập các công trình thủy điện vừa và nhỏ.

Trở lại cơn bão số 9 năm 2020, do lũ về quá nhanh và tức thời, Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi thực hiện phương thức vận hành mở các cửa van xả lũ thủy điện Đăk Psi bậc 1, 2 vượt giới hạn cho phép và chưa đúng theo Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Psi được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3954/QĐ-BCT ngày 17/10/2017 (Quyết định số 3954). Điều này dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ cho vùng hạ du. Đời sống của 62 hộ dân chung quanh quy hoạch lòng hồ Đăk Psi 5 bị ảnh hưởng, diện tích lớn đất sản xuất bị ngập.

Thủy điện Đăk Psi bậc 1, 2 có dung tích toàn phần là gần 20 triệu m3 và sử dụng van cung để xả lũ, còn bậc dưới là thủy điện Đăk Psi 5 dung tích toàn phần chỉ có hơn 1,5 triệu m3 và sử dụng đập tràn tự do. Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Kon Tum, việc dung tích hồ chứa thủy điện Đăk Psi 5 nhỏ hơn dung tích của hồ thủy điện Đăk Psi bậc 1, 2 nên quá tải khi thủy điện Đăk Psi bậc 1, 2 xả lũ lưu lượng lớn không phải là nguyên nhân gây mất an toàn hồ chứa và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Vấn đề mấu chốt, nhà máy thủy điện Đăk Psi 5 đã chậm trong công tác vận hành thoát lũ cũng như việc thực hiện chưa tuân thủ đúng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Psi đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Khi xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của nhân dân, theo kiến nghị của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan đã phối hợp, kiểm tra, tìm rõ nguyên nhân xử lý giải quyết theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư của hai thủy điện trên vẫn chưa thống nhất phương án đền bù thiệt hại của các hộ dân nói trên.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum Lê Như Nhất cho biết: Ngày 7/7 vừa qua, Sở Công thương đã ra thông báo số 03/TB-SCT đề nghị Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (Chủ thủy điện Đăk Psi 5), Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi có trách nhiệm chủ động, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã Đăk Pxi và Đăk Long hoàn thành công tác rà soát, thống kê thiệt hại; áp giá bồi thường, hỗ trợ; công khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định trước ngày 15/7, hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trước ngày 30/7 và chậm nhất là ngày 13/8/2022. Trường hợp hai chủ đầu tư không phối hợp thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ thủy điện Đăk Psi 5, Sở Công thương có văn bản báo cáo đề nghị Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công thương xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực của các nhà máy thủy điện trên.

Đối với các thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum như Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Plei Krông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A, ngoài việc tuân thủ theo quy trình vận hành đơn hồ chứa được phê duyệt, phải thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các thủy điện lớn Đăk Đrinh, Đăk Re, ngoài việc vận hành theo quy trình vận hành đơn hồ chứa còn phải theo quy trình vận hành liên hồ chứa trong Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong công tác vận hành các thủy điện lớn có dung tích hồ chứa lớn có chức năng điều tiết lũ cho việc đón lũ, giảm lũ cho vùng thượng lưu, hạn chế lũ cho vùng hạ du đập theo quy trình đơn hồ chứa, liên hồ chứa được phê duyệt.

Nhằm bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị chủ quản vận hành thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành được phê duyệt, trong đó quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các đơn vị có liên quan. Khi xảy ra những ảnh hưởng xấu đến vùng hạ du, đến đời sống người dân, trách nhiệm của các đơn vị quản lý vận hành phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương kịp thời kiểm tra, thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố (nơi có công trình thủy điện) biết để được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Các đầu mối này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để phối hợp, kiểm tra, tìm rõ nguyên nhân xử lý giải quyết theo quy định.

Bảo vệ người dân hạ du mùa mưa bão ảnh 1
Thường xuyên kiểm tra vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.

Chỉ đúng "quy trình" vẫn… chưa đủ

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 40 dự án thủy điện, với tổng công suất thiết kế 1.752MW, điện lượng trung bình năm hơn 6.296 triệu kWh. Đến nay, có 24 dự án được đưa vào vận hành có tổng công suất hơn 1.468MW; trong đó, có 19 thủy điện thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Việc vận hành liên hồ bước đầu đã đạt được kết quả đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, những năm gần đây, tình hình mưa lũ diễn biến khá phức tạp đã gây không ít khó khăn trong công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm an toàn hồ đập, tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, các chủ đập thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa trên lưu vực, tính toán dự báo lũ về các hồ chứa thủy điện và sớm ban hành các lệnh vận hành đúng quy trình. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện đã chấp hành nghiêm quy trình vận hành liên hồ, nên đã góp phần giảm lũ đáng kể cho vùng hạ du. Tình trạng "lũ chồng lên lũ", gây ngập lụt đột ngột, trôi tài sản người dân ở vùng ven sông Vu Gia, Thu Bồn trước đây ở vùng rốn lũ: Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An… đã được khắc phục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào mùa lũ, khi vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn thường xảy ra tình trạng mực nước tại các trạm thủy văn thấp hơn mức báo động II, nhưng lưu lượng về hồ vượt ngưỡng phải vận hành cắt giảm lũ cho hạ du. Điều này làm giảm dung tích phòng lũ của hồ để tham gia cắt đỉnh lũ trong khi vùng hạ du vẫn chưa ngập lớn.

Mặt khác, để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện và nhu cầu sử dụng nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở hạ du hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, trong mùa nắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tính toán và phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện phù hợp với tình hình thời tiết và nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện. Nhờ đó, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã tham gia phân phối lại dòng chảy trong mùa cạn, cung cấp bổ sung nước cho hạ du. Vấn đề nổi lên trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của triều cường, khu vực hạ du sông Thu Bồn thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu vào nội địa, với nồng độ cao. Đặc biệt, trong mùa nắng, tình hình này càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và thành phố Hội An.

Thêm nữa, do thực trạng số lượng trạm quan trắc đo mưa trên lưu vực các hồ chứa thủy điện còn thưa, công tác dự báo lũ về hồ chưa kịp thời, số liệu dự báo tại các thời điểm chưa thống nhất nên ảnh hưởng rất lớn trong công tác tính toán, vận hành điều tiết hồ trong mùa lũ và công tác cảnh báo ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn.

Đáng lưu ý, Trạm thủy văn Hội Khách (trên sông Vu Gia) chỉ thực hiện quan trắc đo mưa và mực nước trên sông, thiếu chức năng quan trắc đo lưu lượng nên hạn chế việc kiểm soát lũ ở hạ lưu sông Vu Gia khi các thủy điện trên lưu vực cùng tham gia điều tiết lũ. Hơn nữa, do tính chất đặc thù về điều kiện thời tiết, khí hậu thủy văn khu vực miền trung, mưa lớn kéo dài nhiều ngày và kết thúc muộn; có những năm mưa lớn kéo dài sang tháng một năm sau nên rất bị động và khó khăn trong ứng phó với những đợt mưa này.

Trước tình hình diễn biến trên, ngày 28/4/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi Báo cáo "Thực trạng và đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn". Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng, xem xét điều chỉnh thời gian mùa lũ "từ ngày 1/9 đến ngày 15/12" thành "từ ngày 1/9 đến ngày 31/12"; nghiên cứu, bổ sung kịch bản vận hành khi lưu lượng về các hồ đạt/vượt ngưỡng mà hạ du chưa xuất hiện lũ thì xem xét vận hành duy trì mực nước hồ. Xem xét, ban hành quy định về lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực từng hồ chứa và yêu cầu các chủ đập thủy điện lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa và sớm báo cáo Chính phủ thực hiện đầu tư nâng cấp Trạm thủy văn Hội Khách trong năm 2022 nhằm phục vụ cho công tác điều tiết lũ trên sông Vu Gia.

UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chủ đập thủy điện nâng cao năng lực, trách nhiệm hơn nữa trong công tác dự báo lũ về hồ; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác dự báo. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp ngăn mặn trên sông Thu Bồn nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du; tiến hành rà soát, cập nhật bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn cho phù hợp tình hình thực tế.

Những kiến nghị từ chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hơn nữa quy trình vận hành hồ chứa thủy điện là cần thiết. Cùng với đó vẫn cần phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và vận hành hệ thống hồ chứa một cách khoa học, linh hoạt hơn nhằm khắc phục tình trạng điều hành xả lũ đúng "quy trình" mà vẫn gây ra cảnh "lũ chồng lũ" làm thiệt hại đáng tiếc cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quản lý tốt hành lang thoát lũ các hồ chứa, hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ. Và cũng không thể thiếu vai trò của cộng đồng dân cư địa phương. Đây là những người cần được nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng khi sinh sống tại những khu vực đặc thù như hạ du thủy điện.