Bảo vệ cảnh quan, môi trường hồ Tây

Khoảng hai tuần đầu tháng 10, trên hồ Tây xuất hiện tình trạng cá chết nhiều, trôi dạt vào bờ hồ phía đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài... Hình ảnh cá chết nổi trên mặt nước gây mất cảnh quan khu vực, bốc mùi hôi tanh khiến người dân ở khu vực này rất khó chịu. Theo Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, trong tuần đầu tháng 10, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thu gom được hơn 800kg cá chết nổi trên mặt nước hồ Tây.
0:00 / 0:00
0:00

Hiện, các cơ quan chức năng đang phối hợp xác định nguyên nhân chính xác của tình trạng nêu trên. Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu xuất hiện tình trạng cá chết nhiều tại hồ Tây. Vào các năm 2016 và 2018, cũng từng xảy ra các đợt cá chết nổi trắng nhiều khu vực hồ. Qua kiểm tra chất lượng nước hồ vào thời điểm đó thì lượng ô-xy đạt rất thấp. Hiện hồ Tây có rất nhiều đơn vị quản lý khác nhau, như Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ quản lý chung; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về nuôi trồng thủy sản; Sở Xây dựng quản lý mực nước phục vụ công tác thoát nước... Như vậy, việc quản lý hồ Tây với nhiều đầu mối có thể gây những khó khăn, chồng chéo khi cần xử lý các vấn đề phát sinh.

Hồ Tây không chỉ là "lá phổi xanh" của thành phố mà còn là một danh lam thắng cảnh mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, hồ Tây còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết mực nước mưa, chống úng ngập cho khu vực. Vì vậy, việc bảo vệ cảnh quan, môi trường hồ Tây đòi hỏi sự thống nhất, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ngành chức năng liên quan. Trước mắt, cần nhanh chóng thu gom toàn bộ cá chết tại hồ đem xử lý theo quy định, đồng thời, xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng cá chết nhiều tại đây để có giải pháp xử lý, tránh việc tái diễn trong thời gian tới. Tổ chức điều tiết nước hồ hợp lý, giữ vệ sinh môi trường tại các tuyến đường quanh hồ, thu vớt rác trên mặt hồ và tiến hành quan trắc bảo đảm chất lượng môi trường mặt nước. Chính quyền địa phương cũng cần kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm tình trạng câu, đánh bắt cá khu vực hồ.

Về lâu dài, cần duy trì các biện pháp xử lý nước hồ bằng nhiều cách như thường xuyên vớt rác trên hồ, sử dụng hệ sinh vật để phân hủy hoặc hấp thụ các chất ô nhiễm trong môi trường nước… Thường xuyên kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải xử lý nghiêm. Mỗi người dân cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, cảnh quan hồ Tây bằng nhiều hành động như không vứt rác, đổ nước thải xuống lòng hồ, bờ hồ, không chiếm dụng không gian công cộng quanh hồ để kinh doanh, buôn bán…