Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành ngày 22/9 vừa qua không phải là một chủ trương mới mà đã được đề cập, phân tích, nêu rõ trong nhiều văn bản quan trọng và thực hiện từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong công tác cán bộ của Đảng.

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung lại càng trở nên quan trọng. Bởi nguồn gốc của đổi mới, dám đột phá của mỗi cán bộ đều phải xuất phát từ thực tế công việc, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Quan trọng nhất, tinh thần đó được triển khai trên cơ sở: Mọi việc đều hướng về lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, của Đảng và nhân dân.

Dám nghĩ, dám làm là kết quả tự thân của mỗi người và được tạo nên bằng sự suy nghĩ, tìm tòi sâu sắc, tinh thần làm việc hăng say cùng ý thức trách nhiệm rất cao, hướng tới giải quyết những khó khăn từ thực tiễn của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Hơn lúc nào hết, đất nước đang rất cần những cán bộ dám đổi mới, khát khao vượt qua khó khăn, thách thức, sẵn sàng chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì sự phát triển với động cơ trong sáng...

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là nền tảng quan trọng giúp mỗi cán bộ ngày càng tự tin làm việc, cống hiến, mạnh dạn đổi mới vì lợi ích chung mà không sợ áp lực, không sợ thất bại, đồng thời kiên định với những mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, để chủ trương quan trọng này đi sâu, phát huy tác dụng vào từng lĩnh vực trong quá trình phát triển của đất nước, rất cần những chính sách, quy định cụ thể và phù hợp, có thể đáp ứng, giải quyết được vấn đề đang đặt ra làm cản trở sự dám nghĩ, dám làm của người cán bộ. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thật cụ thể, chi tiết để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, giảm bớt những vướng mắc, rủi ro về pháp lý do sự chưa hoàn thiện, thậm chí có những điểm chồng chéo, thiếu thống nhất, hoặc không phù hợp thực tiễn ở một số lĩnh vực.

Thực tế cho thấy, các chủ trương đổi mới, thay đổi có tính đột phá... muốn thành công trước hết phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tập thể. Nhất trí về ý tưởng, cách làm nhưng cũng còn phải đồng hành, chung sức, đoàn kết ngay cả khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Muốn vậy, mỗi cán bộ khi có ý tưởng đổi mới cần tập hợp được nhiều người tham gia góp ý, thảo luận trên tinh thần xây dựng, cởi mở, sáng tạo. Những ý kiến góp ý xác đáng cần được nghiêm túc tiếp thu, đồng thời người cán bộ chủ trì cần bảo vệ quan điểm của mình và dám chịu trách nhiệm về những rủi ro có thể xảy ra...

Đảng ta yêu cầu cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ hiệu quả những cán bộ này để họ tự tin phấn đấu... Điều này được thể hiện nổi bật bằng những nội dung chủ yếu trong Quy định 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó yêu cầu: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung...

Bên cạnh đó, rất cần phân định rõ nét, cụ thể tiêu chí người cán bộ dám nghĩ, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để bảo vệ, để hỗ trợ. Đồng thời, chỉ rõ thế nào là người lợi dụng danh nghĩa đổi mới, sáng tạo để thực hiện, lồng ghép mưu đồ cá nhân, lợi ích nhóm, trục lợi, từ đó xử lý kịp thời, nghiêm minh. Để làm được điều quan trọng này, phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đoàn thể trong việc đoàn kết, thống nhất và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, nhất là đồng hành, chia sẻ với người cán bộ khi có rủi ro, sai sót.