
Bài 1: Thách thức khó lường trong giao thương toàn cầu
Suy giảm kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị leo thang không có dấu hiệu hạ nhiệt, đứt gãy chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển đổi xanh khiến môi trường kinh doanh toàn thế giới trở nên phức tạp hơn.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm 2024 chỉ tăng trưởng 2,6% và dự kiến tăng 2,7% vào năm 2025, thấp hơn mức trung bình của thập kỷ trước (khoảng 3,5%/năm). Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát và xung đột thương mại kéo dài.
Các quốc gia áp dụng hàng loạt biện pháp thuế quan và phi thuế quan nhằm bảo vệ sản xuất nội địa. Mỹ tiếp tục siết chặt kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi EU triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt.
Các tập đoàn đa quốc gia không chỉ tìm kiếm thị trường lao động rẻ mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về công nghệ, tự động hóa và sản xuất xanh. Điều này đặt ra bài toán lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Áp lực từ xu hướng bảo hộ thương mại và tiêu chuẩn môi trường


Trong hai năm qua, Mỹ và EU liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hang xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thép, nhôm bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ, EU; gỗ, nội thất đối diện với các vụ điều tra nguồn gốc nguyên liệu; thủy sản phải đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp (IUU) để tránh bị áp thuế cao.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ, một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là sự gia tăng các rào bảo hộ thương mại từ các đối tác lớn.
Một điều đáng lưu ý và đã được nhắc đến trong thời gian qua đó là mức độ cải thiện kinh tế xanh của Việt Nam ở mức rất thấp và hiện nước ta cũng nằm trong danh sách 20 nước phát thải lớn nhất thế giới.
EU sẽ chính thức thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon từ năm 2026. Cơ chế này yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải chứng minh rằng sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải CO2, nếu không sẽ phải trả thuế carbon cao. Điều này đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng.
Doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải chứng minh sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải CO2 hoặc phải trả thuế carbon rất cao.
Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu dịch chuyển sang sản xuất bền vững. Chẳng hạn, ngành dệt may đang đầu tư vào quy trình nhuộm sinh học, sử dụng vải tái chế; ngành thép tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải CO2.
Tuy nhiên, đây là quá trình dài hạn và đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách của Chính phủ. “Chúng ta cần cải thiện điều này nhanh và mạnh hơn để tránh nguy cơ các nước phát triển và đối tác thương mại “hy sinh” thị trường Việt Nam nếu chúng ta không thực hiện được những yêu cầu về phát triển bền vững. Điều này sẽ khiến Việt Nam bị loại bỏ khỏi thị trường và việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ xảy ra ngay lập tức”, PGS,TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chúng ta cần cải thiện điều này nhanh và mạnh hơn để tránh nguy cơ các nước phát triển và đối tác thương mại “hy sinh” thị trường Việt Nam nếu chúng ta không thực hiện được những yêu cầu về phát triển bền vững. Điều này sẽ khiến Việt Nam bị loại bỏ khỏi thị trường và việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ xảy ra ngay lập tức.
Tín hiệu tích cực giữa những khó khăn


Theo báo cáo cập nhật thời điểm ngày 10/3 của Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12%, tương ứng tăng 13,57 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 64,27 tỷ USD, tăng 8,4% và trị giá nhập khẩu đạt 62,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Riêng tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2/2025 đạt 63,77 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 1/2025, tương ứng tăng 519 triệu USD.
Theo đánh giá của Cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hai tháng đầu năm 2025 tăng trưởng ở mức 15,9% so cùng kỳ, phản ánh rõ nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các ngành chủ lực. Mặc dù cán cân thương mại 2 tháng đầu năm nay chỉ xuất siêu 1,47 tỷ USD, song cho thấy sự ổn định về chất lượng hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2024.
GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm 2023. Mức tăng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vưc dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Tại thị trường quốc tế, thị trường EU, với kim ngạch thương mại đạt 68,8 tỷ USD, là điểm đến của các sản phẩm nông sản, dệt may và hàng tiêu dùng có chất lượng cao. Xuất khẩu sang EU tăng trưởng ổn định, góp phần tạo ra xuất siêu ổn định và nâng cao giá trị thương mại của hàng hóa Việt Nam.

Đối với thị trường trong nước, để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong tình hình mới, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới đã được triển khai như tăng cường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, trái cây, các sản phẩm OCOP…
Đặc biệt, trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, các thị trường như ASEAN, châu Phi, Nam Mỹ cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào các khu vực này, giúp hàng hóa Việt Nam lan tỏa rộng rãi hơn trên trường quốc tế…
Theo báo cáo của HSBC, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, các ngành điện tử, dệt may, sản xuất linh kiện đang thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong năm 2024 đã tăng lên 15% so với cùng kỳ, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú thông tin, đối với thị trường trong nước, để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong tình hình mới, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới đã được triển khai như tăng cường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, trái cây, các sản phẩm OCOP…
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia và hưởng lợi; tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các sự kiện thương mại quốc tế đạt gần 100 triệu USD; doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng...
Năm 2024-2025, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu. Việc FED giữ lãi suất cao để kiểm soát lạm phát khiến USD mạnh lên, kéo theo chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của Việt Nam tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất mà còn tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, lãi suất cao cũng tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Một số nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội tại các nền kinh tế ổn định hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế nhờ môi trường đầu tư cởi mở, chính sách thu hút FDI linh hoạt và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để duy trì đà tăng trưởng thương mại và củng cố vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tận dụng các Hiện định thương mại tự do (FTA).
Việc chủ động thích ứng, tận dụng lợi thế từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế. Đồng thời, với sự quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, Việt Nam hoàn toàn có thể biến khó khăn thành động lực, từng bước nâng cao vị thế trên bản đồ thương mại thế giới.
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Ngày sản xuất: 2/4/2025
Thực hiện: TRUNG HIẾU-KIM DUNG-MINH PHƯƠNG-NHỊ HÀ-KHÁNH BÁCH-GIAI THANH-HẠNH VŨ