Bão táp chưa ngừng

“Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình”

(Cỏ non thành cổ, nhạc sĩ Tân Huyền)

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI
Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI

“Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình”

Hôm ấy, một ngày cuối thu 1969. Mới quá nửa chiều mà khoảng trời phía tây đã tím bầm. Những áng mây mầu huyết dụ sập sệ, trĩu xuống đỉnh đầu, tưởng như giơ tay là với được. Cha tôi, từ ủy ban hành chính xã về nhà sớm hơn. Chỉ kịp treo chiếc xà-cột vào cái móc áo, cha nằm úp mặt xuống chiếu, đôi vai gầy rung lên. Linh cảm có điều không lành, mẹ tôi thảng thốt:

- Ở xã có chuyện gì à? Hay là, hay là... thằng Văn nhà mình nó, nó...

Mẹ chưa hết câu, cha đã vùng dậy chạy ra ngoài sân nức nở. Không còn nghi ngờ gì nữa, mẹ tôi mếu máo chạy ra sân, níu áo cha tôi, hỏi dồn:

- Có phải là thằng Văn, thằng Văn nhà mình nó đã hy sinh rồi không? Ông nói đi!

Ngửa mặt lên trời để dốc ngược những giọt nước mắt vào lòng, cha nghẹn ngào:

- Thằng Văn nhà mình... nó hy sinh rồi! Chiều nay, giấy báo tử đã gửi về xã. Chính tôi là người nhận tờ giấy đó. Tin đồn tưởng sai! Vậy mà…

Mẹ tôi sững người. Toàn thân bà run rẩy, mềm oặt, ngã lăn xuống nền sân gạch lúc ấy đã loang lổ hoàng hôn. Chùi vội những giọt nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt khắc khổ, sạm đen nắng gió, cha ôm thốc mẹ vào nhà. Một cơn gió đầu đông se thắt từ ngoài bãi sông Hồng thổi tới, càng làm cho bước chân của cha tôi thêm xiêu vẹo.

Hai ngày sau, ủy ban hành chính xã làm lễ truy điệu các liệt sĩ của làng. Cả nhà đã tìm mọi cách không cho mẹ tôi lên xã dự, song bà dứt khoát không chịu. Bà quả quyết:

- Có khi họ báo nhầm ông ạ! Ở làng bên, có người cũng báo tử song vẫn sống trở về lấy vợ, sinh con đẻ cái đấy thôi!

Len lỏi trong cái hội trường chật kín những gương mặt u buồn, mẹ tôi ngó mặt từng người như đang tìm kiếm điều gì. Đôi mắt thất thần, vô định, mẹ như người mê sảng, miệng thảng thốt:

- Hôm nay cũng truy điệu cả thằng Văn nhà tôi à? Không! Nó có chết đâu mà phải truy điệu. Nó còn phải về gặp tôi. Không! Văn ơi! Con không thể bỏ mẹ mà đi như thế được! Con còn hứa trước khi vào nam con về lợp lại mái nhà cho mẹ cơ mà?! Các ông nhầm rồi! Thằng Văn con tôi không thể như thế được!

Lúc ấy cha tôi đang đứng nghiêm trang trên bục hội trường để đọc điếu văn truy điệu bốn liệt sĩ của làng. Tiếng khóc, tiếng kêu thảng thốt của mẹ tôi vọng vào tai ông mồn một, vò xé trái tim ông. Nhưng ông vẫn đứng vững, đọc rành rọt tên tuổi từng liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường miền Nam Trung Bộ. Chỉ đến khi đọc tên liệt sĩ Nguyễn Văn - người con trai duy nhất của mình thì ông gục xuống...

*

Vườn nhà cha mẹ tôi trồng rất nhiều cau. Đất phù sa sông Hồng màu mỡ nên cứ đến mùa xuân, cây nào cũng ra trái lúc lỉu. Những quả cau to, tròn trông giống những giọt nước mắt của mẹ tôi, rủ xuống như chờ đợi người hái quả. Chiều nào cũng vậy, cứ nhập nhoạng mặt người, mẹ lại ra vườn ngắm nghía hàng cau hồi lâu. Vỗ nhè nhẹ vào một cây cau có buồng quả đẹp nhất, mẹ tôi thủ thỉ:

- Văn ơi! Buồng này mẹ dành để hỏi vợ cho con. Hôm qua có người hỏi mua nhưng mẹ đã mắng cho một trận. Đắt đến mấy mẹ cũng không bán! Con đã dặn mẹ rồi có đúng không? Ờ mà, hôm rồi mẹ có gặp cái Hương. Nó vẫn có ý chờ con đấy!

Rồi như một lời nguyền, mẹ tôi không bao giờ cho hái cau ở cây cau ấy. Đâu có dăm lần, cứ thoáng thấy có anh bộ đội nào đi qua ngõ, mẹ tôi lại quày quả chạy theo. Một lát sau trở về, mẹ như người mất hồn. Trong hơi thở dốc chứa đầy thất vọng, mẹ lẩm bẩm một mình:

- Cứ tưởng nó về. Nhìn cái dáng đi, sao mà giống nó thế!

*

Thời gian chậm chạp trôi. Đã gần 20 năm, kể từ ngày anh tôi hy sinh ở chiến trường miền Nam Trung Bộ. Những trái cau dầu dãi gió mưa cũng đã chuyển mầu vàng úa, teo tóp và tự rơi xuống đất lúc nào. Ra vườn, mẹ tôi rờ rẫm nhặt từng trái cau khô già đựng vào một cái hũ sành cũ kỹ. Bà thầm thì:

- Lúc cau đẹp thì con mãi chả về! Bây giờ nó già rồi. Mẹ cất vào trong lọ để dành cho con nhé. Càng khỏi lo ẩm mốc con ạ. Mà, nhà gái bây giờ họ cũng dễ tính. Cau khô họ cũng đồng ý cho đặt lễ!

Chả hiểu ở cõi xa xăm, anh tôi có hồi âm lại lời dặn dò của mẹ? Nhưng lúc ấy khuôn mặt nhàu nhĩ của bà như dãn nở và hừng lên những tia sáng

diệu kỳ.

*

Năm 1999, cha mẹ tôi nhận được tin vui từ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam báo ra: Đã tìm thấy anh tôi. Anh yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Phong.

Từ hôm ấy, mẹ ngồi đứng không yên. Bà cho họp cả gia đình và bàn cách đưa anh về quê yên nghỉ. Bà nói như anh vẫn còn hiện diện ở cõi trần gian:

- Tao đã bảo mà! Thể nào rồi nó cũng trở về nhà. Nó là đứa con hiếu thảo lắm. Lần này, vất vả mấy, tốn kém mấy, chị em chúng mày cũng phải đón anh nó về bằng được. Có thế lúc nhắm mắt tao mới yên lòng!

Hôm đưa anh tôi về nghĩa trang liệt sĩ của xã, mẹ tôi đòi ra bằng được. Nhìn anh tôi nằm trong chiếc tiểu sành nhỏ, bên trên phủ một lá quân kỳ, mẹ cười xởi lởi:

- Mẹ biết mà! Mẹ biết thể nào con cũng về mà! Con về được thế này là mẹ mãn nguyện lắm rồi. Giờ có chết mẹ cũng nhắm được mắt!

Trong khóe mắt quầng sâu của bà lúc ấy không hề có một giọt nước mắt. Nhưng tất cả những người dự lễ cát táng anh tôi thì không ai cầm được nước mắt. Với mẹ tôi, đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất của bà! *

Dạo này, mẹ tôi ốm liệt giường, liệt chiếu. Bước sang tuổi 98, bà không còn đủ sức để dò dẫm ra vườn tâm sự với những hàng cau cũng già nua, ốm yếu. Những hôm gió mùa đông bắc về nhiều, nghe tiếng những quả cau già ngoài vườn rơi lộp bộp xuống đất, mẹ lại huơ huơ bàn tay gầy guộc, rồi ra hiệu:

- Ra vườn... Ra vườn nhặt hết cau cho vào hũ. Kẻo mưa xuống lại mốc hết!

Hiểu ý mẹ muốn gì, chị tôi lặng đi hồi lâu rồi nói lảng:

- Nhặt làm gì hả mẹ? Lâu rồi con thấy mẹ có ăn trầu nữa đâu!

Trân trân nhìn sang cái tủ chè, nơi đặt bát nhang thờ di ảnh của anh tôi, mẹ tôi không đáp lời. Rồi cứ thế, trong khóe mắt già nua, đờ đẫn của bà, những giọt lệ cứ tự động trào ra.

Mấy ngày sau mẹ tôi qua đời. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, bà lấy ra một gói tiền để ở dưới gối, rồi thều thào dặn chị tôi:

- Anh con vì nước, vì dân mà hy sinh. Mẹ cũng hãnh diện lắm! Nhưng chẳng hiểu sao, những lúc trái gió trở giời thế này, mẹ càng không thể quên được nó. Số tiền này là của các con và mọi người biếu mẹ lúc mẹ đau yếu. Mẹ không tiêu. Mẹ để dành. Con giữ lấy để hằng năm đến ngày giỗ anh con thì phụ thêm vào làm mâm cơm cúng anh con cho nó tươm tất! Khổ thân nó! Người ta có vợ, có con thì còn đỡ! Đằng này... đằng này nó chỉ có một mình! Mà chúng mày thì phận gái theo chồng...

Nói rồi mẹ tôi gắng sức nằm quay mặt vào phía trong giường. Từ lúc ấy, ai hỏi gì, bà cũng không đáp.

Nhìn cái gối vải diềm bâu cũ sờn cứ loang dần, loang dần những giọt nước mắt của mẹ, chúng tôi xa xót hiểu rằng: Đến tận những giây phút cuối cùng ở trên đời, trong thẳm sâu cõi lòng, mẹ vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ thương người con trai đã nằm lại nơi trận mạc...

VĨ THANH

Người Nga có một bộ phim về đề tài chiến tranh, với tên gọi “Chiến tranh là công việc của đàn ông” của đạo diễn Nikolai Stambula. Bộ phim hay, ám ảnh người xem đến thước phim cuối cùng. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý với tên gọi của bộ phim ấy. Bởi có cuộc chiến tranh nào mà người phụ nữ không chịu đựng sự hy sinh, gian khổ đến tận cùng, cho dù họ không trực diện với chiến tranh, họ ở tiền phương hay ở hậu phương. Vết thương chiến tranh do bom đạn gây ra trên mặt đất, trên thể xác con người sớm muộn cũng sẽ liền sẹo, nhưng thẳm sâu trong tâm thức nhân loại, nhất là với những người mẹ, người vợ liệt sĩ thì không thể. Dù mỗi lần tiễn con ra trận mạc, Mẹ vẫn tươi cười, động viên con đi chân cứng đá mềm, nhưng sau đó lại khóc thầm lặng lẽ; khi các con không bao giờ trở lại thì mình Mẹ lặng im - lặng im để nhận về riêng mình nỗi đớn đau, thương nhớ, những cơn bão lòng không bao giờ ngưng nghỉ...

Với những người mẹ, người vợ, thương tật chiến tranh không thể lượng hóa. Trải qua năm tháng, nó chất chứa, trầm tích trong cõi lòng, song được che phủ, được ghìm nén bằng nghị lực phi thường, bằng đức tính hy sinh mang giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng” (Thơ tình người lính biển). Người đời, phải thật tinh tế, thật từng trải và đồng điệu tâm hồn mới nhận diện được điều ấy.

Khắc ghi trong tâm thức mình những điều như vậy không phải để bi lụy; trái lại để hơn một lần, nghìn lần chúng ta thấu hiểu được Độc lập - Tự do vô giá tới nhường nào; từ đó tri ân sâu sắc Tổ quốc Việt Nam linh thiêng, vĩ đại của chúng ta. Và hơn bao giờ hết để tri ân, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người đã vì sự quyết sinh của Tổ quốc mà sẵn sàng quyết tử, trong đó có những người Mẹ, người vợ, người chị Việt Nam anh hùng!