Bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19

NDO -

Qua 11 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, việc bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 có vai trò rất quan trọng.

Hiện trường tai nạn giao thông làm 2 người tử vong vào chiều 14/11/2021 tại Quốc lộ 1A qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (Ảnh minh họa: Hương Giang).
Hiện trường tai nạn giao thông làm 2 người tử vong vào chiều 14/11/2021 tại Quốc lộ 1A qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (Ảnh minh họa: Hương Giang).

11 tháng, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, 11 tháng năm 2021, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí. Số vụ giảm 24%, số người chết giảm xấp xỉ 18%, số người bị thương giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là thông tin được ông Minh chia sẻ từ tọa đàm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 21/12.

Ông Trần Hữu Minh chia sẻ thêm, có ý kiến cho rằng, số tai nạn giao thông giảm nhiều là do dịch Covid-19, các địa phương trải qua thời gian giãn cách xã hội. Nhưng theo báo cáo đánh giá tác động toàn cầu của Covid-19 đối với tai nạn giao thông, trong 31 quốc gia tham gia báo cáo đánh giá, có 15 quốc gia giảm dưới 15%, 13 quốc gia giảm từ 15-24%, và chỉ có 5 quốc gia giảm trên 25%. Đối chiếu điều kiện Việt Nam với mức giảm xấp xỉ 18%, có thể thấy, chúng ta đang ở mức trung bình tiên tiến.

Theo báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đến an toàn giao thông của Hội đồng An toàn giao thông châu Âu, tại các quốc gia thực hiện giãn cách toàn phần, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông giảm 36%. Khi thực hiện giãn cách xã hội quy mô lớn ở Việt Nam, tháng 8 giảm 53% số người thiệt mạng, tháng 9 giảm 54%. Đây là con số chứng minh Việt Nam có tốc độ kéo giảm tai nạn giao thông so với quốc tế, kể cả so sánh đồng thời có Covid-19 và thực hiện giãn cách toàn xã hội. Điều đó khẳng định nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc trong bảo đảm an toàn giao thông.

Về khó khăn, từ đầu năm đến nay, các vấn đề vi phạm tốc độ trong điều kiện Covid-19 khi giao thông vắng, lái xe có xu hướng tăng tốc độ. Những hành vi trên cũng dẫn tới một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ngoài ra, hành vi đua xe trở nên phát triển phức tạp, đặc biệt tại khu vực phía nam khi đường vắng, nhiều thanh niên tụ tập, ngăn đường quốc lộ để đua xe. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đối với trẻ em, dịch vụ cho trẻ em diễn biến phức tạp.

Về vấn đề ùn tắc giao thông, tại các đô thị lớn do học sinh - sinh viên chưa quay trở lại đi học nên vấn đề này có phần giảm ùn tắc, nhưng nếu như học sinh - sinh viên quay trở lại đi học, vấn đề ùn tắc giao thông tiếp tục thách thức lớn. Khi Covid-19 bùng nổ, các nguồn lực của địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch và hoạt động bảo đảm an toàn giao thông cũng bị sức ép, bị chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề khách quan là một phần nhỏ, còn phần lớn vẫn do chủ quan. Phân tích cho thấy, những địa phương nào quyết tâm chỉ đạo sát sao, thì địa phương đó có kết quả  bảo đảm an toàn giao thông tốt. Nhưng ngược lại, địa phương buông lỏng quản lý thì có nhiều vấn đề xảy ra. Đây là những vấn đề đang tổng kết để sắp tới có những chỉ đạo kịp thời.

An toàn giao thông dịp Tết đi cùng phòng, chống dịch

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Bộ Công an), cho hay, thực tế, các vụ tai nạn giao thông thời gian qua có giảm sâu nhưng chưa thực sự mang tính bền vững. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an toàn trong dịch Covid-19, người dân quay trở lại làm việc. Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông lại có biểu hiện tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh những hành vi vi phạm mà người tham gia giao thông thường mắc phải trước đây, thí dụ như là đi sai phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh, không chấp hành tín hiệu đèn, vi phạm tốc độ… Qua thời gian giãn cách, có những hành vi vi phạm như chở quá tải trọng, quá khổ, quá tải cũng diễn biến phức tạp hơn.

Qua thời gian giãn cách, các hoạt động vận tải thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, nhu cầu sản xuất đã gia tăng. Tình trạng tụ tập, đánh võng và đua xe trái phép tiếp tục diễn ra. Thực tế, tại nhiều địa phương đã có tình trạng một số người, nhóm người lợi dụng đường sá thông thoáng, rộng rãi và người dân không được ra đường trong thời gian giãn cách, và cơ quan chức năng phải tăng cường cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 để tụ tập, cổ vũ và đua xe trái phép.

Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng khác cũng đã huy động tăng cường rất nhiều biện pháp để nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm vi phạm.

Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/2/2022, Cục Cảnh sát giao thông triển khai đợt cao điểm trên toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội nhân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân năm 2022. Hoạt động này của lực lượng cảnh sát giao thông triển khai trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát và đấu tranh có hiệu quả với tất cả các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển chất cháy nổ, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng trái phép và kiểm soát phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm khác trên đường thủy như là khai thác cát, sỏi trái phép, mở bến bãi ngang sông trái phép hoặc các cảng, bến không đủ điều kiện hoạt động. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng sẽ phối hợp ngành đường sắt để kiểm tra việc chấp hành các quy định như điều kiện lưu hành các phương tiện giao thông đường sắt hoặc trang thiết bị trang bị phục vụ bảo đảm an toàn cho tàu chạy. Trong khi thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng cũng sẽ chấp hành nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 và  bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo thống kê của Bộ Công an, có khoảng 70 triệu người tham gia giao thông. Hơn 60 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 5 triệu ô-tô.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhấn mạnh, Tết Nguyên đán năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh chuyển biến khó lường và ngày càng phức tạp. Đây như một phép thử mới cho không chỉ ngành y tế trong việc chống dịch, mà còn là phép thử cho ngành giao thông khi vừa phải bảo đảm an toàn giao thông, vừa phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng trong phòng, chống dịch bệnh. Để có một cái Tết an toàn, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành để bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để có một Tết Nguyên đán 2022 an lành.