Bảo đảm nguồn cung thực phẩm

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nguồn cung thực phẩm sẽ được bảo đảm từ nay đến cuối năm 2022, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến năm nay ngành chăn nuôi cả nước sẽ đạt sản lượng hơn bảy triệu tấn thịt các loại. Ảnh: NAM HẢI
Dự kiến năm nay ngành chăn nuôi cả nước sẽ đạt sản lượng hơn bảy triệu tấn thịt các loại. Ảnh: NAM HẢI

Không lo thiếu thực phẩm dịp cuối năm

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến hết tháng 7/2022, đàn lợn vẫn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; đàn trâu hằng năm giảm 2,5% nhưng năm nay chỉ giảm 1,1%. Dự kiến năm nay ngành chăn nuôi cả nước sẽ đạt sản lượng hơn bảy triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỷ quả trứng và hơn 1,3 triệu tấn sữa.

“Năm 2021, chúng ta giết mổ 51 triệu con, năm nay chúng ta cũng phấn đấu đạt sản lượng hơn 51 triệu con lợn thương phẩm. Như vậy, cả thịt lợn, thịt bò, thịt trâu… đều giữ được nhịp tăng trưởng phục vụ dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Khi triển khai đồng loạt các giải pháp thì chúng ta hoàn toàn bảo đảm được nguồn cung từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.

Điều khiến vị Thứ trưởng chắc chắn với mục tiêu bảo đảm nguồn cung là: Hiện nay, 16 doanh nghiệp lớn, chi phối tỷ trọng chăn nuôi lợn vẫn đang trong đà tăng trưởng 4,8% đối với đàn lợn, đạt hơn 28 triệu con. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ quan trọng để khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh cũng đang được khống chế tốt. Cùng với giá xuất chuồng như hiện nay sẽ thuận lợi cho tốc độ tăng trưởng đàn lợn…

Trước câu hỏi có hay không việc xuất khẩu trái phép lợn sang Trung Quốc khiến cho giá thịt lợn trong nước có biến động mạnh, điều này có ảnh hưởng đến nguồn cung?..., Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, việc kiểm soát biên giới cũng đã được siết chặt, lợn không xuất khẩu lậu được như trước, nhưng vẫn có hiện tượng thịt lợn sau khi mổ sẽ được chặt mảnh chở sang Trung Quốc. Hiện tượng này diễn ra trong bối cảnh giá thịt lợn ở các nước chung quanh có sự biến động mạnh thời gian qua. “Trước thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo, cử các đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát….”, ông Tiến thông tin thêm.

Cần giảm khâu trung gian để giảm giá thành thịt lợn

Hiện, giá thịt lợn trên thị trường giảm chậm hơn so với giá lợn hơi và vẫn đứng ở mức 110-170 đồng/kg. Về biện pháp kiểm soát giá thịt lợn từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay, kênh phân phối không phải như ngày xưa mà có sự điều tiết. Với sự chênh lệch giá lợn từ cửa trại đến bàn ăn khoảng 1,5-1,7 lần, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc này, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết nhưng chuyển biến còn chậm. Song, vị này khẳng định “tôi chắc chắn rằng khi giá lợn hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt lợn ở chợ sẽ ổn định theo”.

Thực tế, những ngày qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô đang có dấu hiệu giảm nhiệt, điều này hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm bớt áp lực về giá thành. Dự kiến, giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ giảm tiếp trong thời gian tới khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới vào kỳ giảm mới.

Cụ thể, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm đã kéo giá lợn hơi trong nước giảm đến 5-6 giá trong gần ba tuần qua, từ mức 75.000 đồng/kg hiện giảm chỉ còn cao nhất là 69.000 đồng/kg và hiện chỉ có một số địa phương bán với giá này; giá thấp nhất đã xuống mức 63.000 đồng/kg. Mức giá này ở ngưỡng khả năng chống chịu của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.

Dù vậy, ngành chăn nuôi sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp, do giá lợn hơi đã giảm thời gian dài, gần hai năm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%. Cân đối được như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi ích từ việc chăn nuôi, mà không ảnh hưởng nhiều tới chỉ số CPI nói chung trong giỏ thực phẩm (chiếm khoảng 33%)...

Cuối tháng 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi, đẩy giá; đồng thời, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ... từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, bảo đảm giảm thấp nhất các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng...