Xử lý nghiêm hành vi làm giả nhãn mác, thương hiệu thực phẩm

Vào thời điểm Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, lợi dụng việc này những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm làm giả, làm nhái xuất hiện tràn lan trên thị trường gây bức xúc trong xã hội cần phải được xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân.

Ðội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn 4, xã Ðinh Xá, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nam
Ðội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn 4, xã Ðinh Xá, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nam

Vốn là gia đình gốc Hà Nội, nên theo truyền thống gia đình, những ngày này chị Nguyễn Thu Trang (Hàng Dầu, Hà Nội) đang chuẩn bị một số món đồ để chuẩn bị cho mâm cỗ ngày lễ là những món quà đặc sản của Hà Nội trong đó có Bánh Cốm Nguyên Ninh. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên chị đã đặt mua trên mạng để chuyển về nhà. Tuy nhiên, khi tra thông tin trên mạng, chị đã bị "ngợp" bởi những thông tin tràn lan với những lời quảng cáo khẳng định là hàng chính hiệu. Cố gắng bằng những hiểu biết của mình, chị đã đặt hàng được nhưng nhận về là hàng không đúng cửa hàng chính gốc.

Vẫn biết việc mua hàng online đã trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay bởi tính tiện lợi nhất là trong thời điểm này nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nhưng nhiều trang web, đặc biệt là trên Facebook nhiều người đã lấy tên Bánh Cốm Nguyên Ninh, thậm chí còn đề hẳn địa chỉ 11 Hàng Than để lừa đảo.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Nam vừa khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" theo Ðiều 193 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo điều tra, ngày 21/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nam phối hợp Ðội 3-Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam kiểm tra và phát hiện tại nhà Phạm Thị Hương và Quyền Ðình Tới (ở thôn 4, xã Ðinh Xá, thành phố Phủ Lý) đang sản xuất số lượng lớn bánh cốm và bánh xu xê mang nhãn hiệu "Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than-Hà Nội". Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ 525 hộp bánh thành phẩm các loại mang nhãn hiệu Nguyên Ninh, hơn 700 kg vỏ hộp bánh mang các nhãn hiệu Nguyên Ninh, Bảo Minh, Tiên Dung. Ngoài ra, tại đây còn có 3 hệ thống máy cùng nguyên liệu, phụ gia để sản xuất bánh với số lượng lớn. Tại cơ quan công an, Hương và Tới khai nhận đã mua máy móc, nhiên liệu để sản xuất bánh truyền thống. Ðặc biệt, nhóm này đã tự ý làm giả nhãn mác mang thương hiệu "Nguyên Ninh" là thương hiệu bánh cốm, bánh xu xê nổi tiếng trên thị trường nhằm mục đích bán được nhiều hàng để kiếm lời.

Bên cạnh đó. lực lượng quản lý thị trường cũng liên tiếp phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu làm giả, thực phẩm bẩn. Vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2 điểm sản xuất và kinh doanh sản phẩm sa tế tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này ngổn ngang dây chuyền sản xuất theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: Nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn ni-lông và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hơn 28.000 sản phẩm vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ. Kiểm đếm thực tế, đã ghi nhận các sản phẩm sa tế tôm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Về việc này, Luật sư Lã Thị Ánh (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, sắp đến Tết Nguyên đán, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả là lương thực, thực phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng rất phổ biến. Mặc dù không ít vụ việc đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời nhưng mức xử phạt vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Chính điều đó đã khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tiếp tục thu lợi từ việc nhái thương hiệu nổi tiếng… Cụ thể, để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm này thì có thể căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu hành vi vi phạm đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ Ðiều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tùy theo mức độ, nguyên nhân, mục đích dẫn đến hành vi vi phạm để xử lý. Mức phạt tiền cao nhất theo Ðiều 193 là 18 tỷ đồng và phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.

Trước vấn nạn về thực phẩm giả, kém an toàn như hiện nay, trước tiên người dân cần thay đổi việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm chất lượng bằng kiến thức, kỹ năng, mà không phải chỉ bằng hình thức, mẫu mã. Ngoài ra, khi phát hiện mua phải các sản phẩm làm giả, làm nhái hay sản phẩm kém chất lượng, cần phản ánh với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để có phương án xử lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về các hành vi vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe...

"Hầu hết các thực phẩm làm giả, làm nhái các thương hiệu lớn đều sử dụng các loại chất cấm, hóa chất... để bảo quản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Những thực phẩm nhiễm hóa chất, không bảo đảm vệ sinh thường gây ra một số triệu chứng lâm sàng cho người dùng như rối loạn tiêu hóa đường ruột, ngộ độc thức ăn, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Nếu nhiễm nặng hơn, sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh hoặc nguy hiểm tới tính mạng. Về lâu dài, nếu các hóa chất tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến những bệnh nan y như ung thư mật, gan, dạ dày, ruột, thậm chí gây vô sinh cho cả nam giới và nữ giới".

Ths, BSCKII NGUYỄN PHƯƠNG TRUNG
Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Phúc Thọ (thành phố Hà Nội)