Vẫn còn hàng chục nghìn xe kinh doanh vận tải "né" quy định lắp camera giám sát

Để kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông, hạn chế các hành vi gây mất an toàn giao thông, giảm nguy cơ tai nạn, như: đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người, lấn làn, chạy quá tốc độ…, thì từ ngày 1/1/2022, các xe kinh doanh vận tải từ chín chỗ trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo nếu không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt nặng.

Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải quận Hà Đông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) kiểm tra việc lắp đặt camera giám sát trên xe tại bến xe Yên Nghĩa. (Ảnh PHẠM CÔNG)
Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải quận Hà Đông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) kiểm tra việc lắp đặt camera giám sát trên xe tại bến xe Yên Nghĩa. (Ảnh PHẠM CÔNG)

Tuy nhiên, sau hơn bốn tháng thực hiện, cả nước vẫn còn khoảng 50 nghìn xe chưa lắp camera và việc xử lý các xe vi phạm vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội vẫn còn gần 22 nghìn xe (trong tổng số 34.200 xe) chưa lắp camera giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó phần lớn là xe hợp đồng (hơn 18 nghìn xe). Mặc dù Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp các lực lượng ngành công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào xe hợp đồng lưu thông trên đường vì tỷ lệ loại xe này lắp đặt thấp, nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Tại Quảng Ninh, Phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn có 146 đơn vị kinh doanh vận tải, tổng số phương tiện phải lắp camera là 2.029 xe. Đến nay, có 1.981 xe đã lắp camera. Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, đến nay đã có hơn 13 nghìn xe (trong tổng số hơn 16 nghìn xe) lắp camera giám sát. Số còn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa hoạt động.

Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, số xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách từ chín chỗ trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo thuộc diện phải lắp camera trên cả nước là gần 207 nghìn xe. Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera phục vụ công tác quản lý vận tải theo quy định. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không lắp đặt camera kể từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn khoảng 50 nghìn xe chưa lắp camera giám sát (tổng số phương tiện đã lắp đặt và truyền dữ liệu về hệ thống xử lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khoảng hơn 150 nghìn xe, đạt tỷ lệ khoảng 72%).

Lý giải nguyên nhân khó trong việc xử lý các xe kinh doanh vận tải "né" quy định lắp camera giám sát, đại diện Sở Giao thông vận tải một số tỉnh cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến nay, Thanh tra các Sở đã bố trí lực lượng tại khu vực các bến xe để xử phạt những xe không lắp camera hoặc có lắp nhưng camera không ghi, không lưu trữ hình ảnh trên xe, tuy nhiên không thể kiểm tra được hết tất cả các xe lưu thông do không đủ nhân lực.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vấn đề khó nhất hiện nay là đối với những xe đang chạy, lực lượng chức năng không được dừng xe, cho nên việc xử lý đối với những xe không lắp camera phụ thuộc vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông trên đường.

Bên cạnh đó, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị vận tải chỉ hoạt động từ 40% đến 60% số lượng đầu xe nên các lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Theo các chuyên gia trong ngành giao thông vận tải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi lại rất ít, hàng chục nghìn xe đã ngừng hoặc chưa hoạt động kinh doanh trở lại. Tới thời điểm này, nhiều người dân vẫn có tâm lý e ngại khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải khách công cộng và giá cước tăng cao do giá xăng dầu tăng cao, cho nên nhiều nhà xe vẫn "trốn" quy định lắp camera và chỉ cam kết lắp trong thời gian sớm nhất. Theo quy định, mức phạt đối với các đơn vị vận tải không lắp camera giám sát là từ 10 đến 12 triệu đồng và phương tiện bị thu hồi phù hiệu từ một đến ba tháng.

Thực tế cho thấy, lắp camera giám sát giúp kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông của lái xe, doanh nghiệp vận tải hiệu quả hơn. Khi có camera giám sát, người lái xe sẽ tự giác thay đổi hành vi vi phạm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến người và phương tiện vận tải; hỗ trợ cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu camera để phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn... Việc lắp camera giám sát sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giúp đơn vị quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp vận tải hiểu được tác dụng, lợi ích của việc lắp camera giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được đưa vào hoạt động những phương tiện đã lắp đặt camera. Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, thành phố, đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách, các điểm bốc xếp hàng hóa, tăng cường kiểm tra phương tiện trước khi xuất bến và trong quá trình hoạt động, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera theo quy định.