Trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Mới vào đầu mùa hè, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Thực trạng này đòi hỏi các ngành, các cấp, bên cạnh việc giáo dục kiến thức học tập, cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Một lớp dạy kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: THU HÀ)
Một lớp dạy kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: THU HÀ)

Ngày 25/4, một nhóm nữ sinh gồm sáu em xuống đập Khe Giang tại xóm Tân Hữu (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, để tắm mát. Trong lúc tắm, có học sinh bị sảy chân xuống vùng nước sâu, những em khác cố gắng vùng vẫy để cứu bạn. Trong số này, chỉ có hai em thoát nạn, bốn em bị chết đuối. 

Bốn học sinh này đều là học sinh của Trường THCS Nghĩa Lộc. Gần đây nhất, ngày 27/4, tại khu vực bờ suối San Thàng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) người dân phát hiện có hai xe đạp điện, quần áo, dép và hai thi thể trẻ em dưới suối. Nguyên nhân tử vong được xác định là do đuối nước, nạn nhân là các cháu Nguyễn Tuấn N. trú tại bản Mới, xã San Thàng và Phạm Đức A. trú tại tổ 26, phường Đông Phong. Cả hai cháu đều sinh năm 2009 và là học sinh lớp 7, Trường THCS Đông Phong, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Một trong những nguyên nhân là do thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn, và điều quan trọng còn do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy có con đang học ở Trường THCS Huy Văn, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến mùa hè là trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh về tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nghe rất đau lòng. Do vậy, tôi và nhiều phụ huynh trong trường luôn ủng hộ và đồng tình với việc cùng chung tay với nhà trường để tạo điều kiện cho các con theo học những khóa học bơi, rèn luyện thân thể và kỹ năng sống”. 

Tuy nhiên thực tế hiện nay, quá trình triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều bất cập. Ở các đô thị lớn và thành phố, việc xây bể bơi mi-ni trong nhà trường bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng do thiếu cơ chế quản lý, cho nên công năng sử dụng chưa đạt hiệu quả cao. Tại các cơ sở giáo dục vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa... còn thiếu điều kiện cơ sở vật chất, vì thế việc dạy bơi và kỹ năng năng phòng, chống đuối nước cho các em học sinh trong nhà trường vẫn chưa thật sự phổ biến. Các em không được truyền dạy những kỹ thuật bơi căn bản, khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử trí dẫn đến tai nạn thương tâm... 

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc dạy cho con trẻ những kỹ năng sống cần thiết vẫn chưa được chú trọng. Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.

Mặt khác, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện để tổ chức giảng dạy. Đối tượng được học bơi chủ yếu là học sinh gia đình có điều kiện, học sinh ở thị trấn, thị xã, thành phố. 

Học sinh ở các vùng nông thôn, vùng  sâu, vùng xa ít có cơ hội được học bơi an toàn. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả, nội dung, hình thức chưa sát với thực tế, chưa phong phú. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện. 

Theo ông Trần Thanh Trung, chuyên gia Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mặc dù những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã được quan tâm và  phát triển tại nhiều địa phương, nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không biết thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét là biết bơi, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. 

Ðể an toàn trong môi trường nước thì biết bơi thôi là chưa đủ, mà còn phải thành thạo các kỹ năng an toàn để tự cứu mình trước những rủi ro. Vì thế, để học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu... 

Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp chặt chẽ các đoàn thể ở địa phương tổ chức đào tạo kỹ năng bơi lội cho học sinh. Và để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước trong đời sống hằng ngày, nhất là ở những vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.