Thận trọng khi sang tên, đổi chủ đối với xe ô-tô biển số ngoại giao

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã thống kê có tới 131 chiếc xe ô-tô mang biển số ngoại giao (ký hiệu NG) đã làm thủ tục cho, tặng nhưng chưa thay đổi đăng ký. Nguyên nhân một phần do thủ tục chuyển đổi chưa thống nhất, nhưng chủ yếu là vì tiền thuế đối với những chiếc xe loại này rất cao.

Nhiều siêu xe lợi dụng đường ngoại giao để thẩm lậu vào Việt Nam.
Nhiều siêu xe lợi dụng đường ngoại giao để thẩm lậu vào Việt Nam.

Giữ biển số NG để lưu hành trái phép

Trong số 131 chiếc xe được Tổng cục Hải quan nêu tên, có 1 chiếc Rolls-Royce; 1 chiếc Mercedes Maybach 62S, 2 chiếc S500; hàng chục chiếc BMW, Porsche, Lexus... Số xe này thuộc đăng ký cá nhân của một số tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay đã không còn trong biên chế của các cơ quan ngoại giao nước ngoài do đã được chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác... nhưng chưa được chủ mới làm thủ tục chuyển nhượng. Tính theo địa bàn, Cục Hải quan TP Hà Nội quản lý 93 chiếc, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh quản lý 38 chiếc. Những chiếc xe mang biển NG này đều đã được các cơ quan ngoại giao tại nước ta thông báo không còn trong biên chế hoạt động của các đơn vị đó nữa.

Trong giới buôn, bán xe nhập khẩu, đường đi của những chiếc xe sang mang biển NG như sau: “Cò” mua suất của nhân viên ngoại giao - xe được nhập từ nước ngoài dưới dạng tài sản lưu động của nhân viên đó - khi về nước được làm thủ tục thông quan, đăng ký, lấy biển số dưới tên của nhân viên này. Thực chất, đây là hình thức tạm nhập tái xuất có thời hạn bằng thời hạn công tác của nhân viên ngoại giao.

Thế nhưng, lý thuyết thông thường đó chỉ đúng với số ít xe do nhân viên ngoại giao có nhu cầu sử dụng thật sự. Phần lớn xe còn lại là siêu xe được gắn biển đăng ký NG nhưng không phải do nhân viên ngoại giao sử dụng. Đây được cho là hình thức nhập lậu xe nhằm trốn thuế.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số xe mang biển số NG được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (có thời hạn) và không phải chịu thuế suất theo quy định đối với xe nhập khẩu thương mại. Những người mua xe dưới hình thức này chỉ phải trả một khoản thuế, phí nhất định cho người đứng tên đăng ký xe.

 Hầu hết số xe sang mua tại nước ngoài có giá thấp hơn rất nhiều so với giá bán chính thức tại Việt Nam do không phải nộp nhiều loại thuế, phí. Lẽ ra, những chiếc xe này phải theo chính chủ về nước khi họ hết thời gian công tác và biển số xe cũng phải được cơ quan ngoại giao thu hồi. Thế nhưng, 131 chiếc xe kể trên chưa hề được tái xuất theo người đã đăng ký nó, mà vẫn lưu hành ở trong nước.

Về nguyên tắc, xe ô-tô sử dụng biển số đã bị thu hồi, biển số giả và chưa đăng ký lại được coi là xe lậu. Cơ quan chức năng được phép tịch thu nếu phát hiện những chiếc xe này tham gia giao thông.

Về nguyên tắc, xe biển NG đã bị cơ quan ngoại giao loại biên nếu đăng ký mới sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xe nhập khẩu và các loại thuế, phí khác theo quy định. Đối với những siêu xe có giá bán hàng chục tỷ đồng, cho dù chỉ tính thuế theo giá ô-tô đã qua sử dụng thì số tiền để có được biển số, đăng ký mới có thể lên tới hơn 200% giá trị chiếc xe. Chính vì vậy, trong số 131 chiếc xe kể trên, có những chiếc được đăng ký từ năm 2005 đến nay, vẫn sử dụng biển số NG để lưu hành.

Không để lọt lưới xe lậu

Tại Quyết định số 14/2021/QĐ-TTg ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hướng xử lý đối với số xe mang biển NG chưa làm thủ tục chuyển nhượng. Bộ Tài chính cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện quyết định này.

Quyết định số 14/2021/QĐ-TTg là biện pháp tháo gỡ cho số xe loại biên từ các cơ quan ngoại giao đang lưu hành trái phép ở trong nước, nhưng trong quá trình thực thi có thể đây lại là kẽ hở cho việc hợp thức số lượng không nhỏ xe sang thẩm lậu vào nước ta thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất mà thực chất là để “né” thuế.

Trước hết, đối với 131 xe đã bị loại biên từ các cơ quan ngoại giao, những xe này không được phép sử dụng biển NG, không được phép lưu thông tại Việt Nam. Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng rất khó để xác định chính xác mức thuế phải áp dụng đối với từng chiếc xe. Nguyên nhân do khác biệt về thời điểm nhập, giá trị tại thời điểm mua, bán, cho, tặng lần đầu vì hầu hết xe đã qua nhiều đời chủ.

Một số xe thậm chí được bán trao tay ngay khi cập cảng mà chưa hoàn thành thủ tục hải quan. Đối tượng mua xe loại này thường tìm đủ cách để hợp thức việc sử dụng biển NG nhằm chờ thời điểm có thể đăng ký lại trong khi chỉ phải nộp mức thuế của xe cũ đã qua sử dụng.

Không có gì đáng nói đối với những chiếc xe biển số NG có giá trị không lớn, bị cơ quan ngoại giao nước ngoài loại biên do không còn nhu cầu sử dụng. Vấn đề là ở những chiếc xe sang, siêu xe hoàn toàn mới thông qua con đường này nhập lậu vào nước ta. Vì đã được đăng ký nên xe biển NG chỉ bị áp mức thuế của xe đã qua sử dụng.

Những quy định đối với việc nhập khẩu, tái xuất và đăng ký xe biển NG ở nước ta khá chặt chẽ nhưng vì sao vẫn có hàng trăm xe sang thẩm lậu qua con đường này và sau đó ngang nhiên chạy trên phố. Thậm chí, có thể tìm thấy xe biển số NG và biển số nước ngoài (NN) rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Như vậy, việc thực hiện các biện pháp hợp thức cho những chiếc xe mang biển số NG được chuyển đổi và lưu hành trong nước cần phải có quy định cụ thể và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Cần chặt chẽ từ khâu kiểm soát nguồn nhập, đối tượng sử dụng, thời gian sử dụng.

Bên cạnh đó, cần tính toán mức thuế như thế nào để không quá thấp so với thuế nhập khẩu; biện pháp xử lý như thế nào đối với chủ xe không làm thủ tục chuyển đổi. Đặc biệt, cần có biện pháp ngăn chặn đường vào nội địa của những chiếc xe lậu, xe gian qua con đường ngoại giao, bởi việc cho phép chuyển đổi quyền sở hữu có thể sẽ mở ra con đường cho dòng xe này tràn vào nước ta…