Sớm dừng sử dụng vật liệu chứa a-mi-ăng

Hiện nay, trên thế giới còn 25 nước sử dụng a-mi-ăng trong một số sản phẩm công nghiệp, dân dụng, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 70.000 tấn a-mi-ăng để sản xuất 90 triệu m2 tấm lợp phi-brô xi-măng. Sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi, phổ biến ở các vùng nông thôn, miền núi...

Người dân vùng cao Điện Biên vận chuyển tấm lợp.
Người dân vùng cao Điện Biên vận chuyển tấm lợp.

A-mi-ăng là loại khoáng chất si-li-cát dạng sợi, có tính năng như độ bền cơ học, độ bền hóa chất, chịu nhiệt, chịu ma sát, cách điện, cách âm... tốt cho nên được sử dụng nhiều trong sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng. Sử dụng a-mi-ăng cũng làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm so với các vật liệu khác có cùng tính năng. Trước đây, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng a-mi-ăng nhưng dần hạn chế vì những tác hại của nó đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, a-mi-ăng nâu và xanh đã bị cấm trên phạm vi toàn thế giới. Đối với sản phẩm a-mi-ăng xi-măng bắt buộc phải in cảnh báo nguy hại trên bao bì...

Những nghiên cứu trong hơn 20 năm qua của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy a-mi-ăng (kể cả a-mi-ăng trắng) là chất gây bệnh ung thư. Trên thế giới, mỗi năm có hơn 100 nghìn người chết vì các bệnh liên quan đến a-mi-ăng như ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi a-mi-ăng. Ngoài ra, còn có 1,5 triệu người mắc các bệnh nan y, trong đó 80% là do a-mi-ăng gây ra. Ở nước ta đã cấm sử dụng a-mi-ăng nâu, a-mi-ăng xanh từ năm 1998 và cho phép sử dụng a-mi-ăng trắng với các yêu cầu nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong số 90 triệu m2 tấm lợp phi-brô xi-măng được sản xuất mỗi năm, có tới 95% được sử dụng ở các vùng nông thôn, miền núi. Rất nhiều người dân sử dụng nước mưa hứng từ các tấm lợp trong sinh hoạt hằng ngày. Hàng nghìn tấm lợp phi-brô xi-măng vỡ, hỏng bị vứt bỏ ở khe suối làm cho a-mi-ăng hòa tan vào nguồn nước... Hầu hết người dân không biết hoặc chưa ý thức được những nguy hại mà a-mi-ăng có thể gây ra đối với sức khỏe của cộng đồng.

Nghiên cứu của Mạng lưới vận động dừng sử dụng a-mi-ăng Việt Nam (VN-BAN) tại một số địa phương như Thanh Hóa và Yên Bái cho thấy, có tới 85% số hộ gia đình sử dụng tấm lợp phi-brô xi-măng. Một số địa phương khác như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La... tỷ lệ hộ dân dùng tấm lợp trong các công trình xây dựng cũng xấp xỉ 80%. Lý do người dân vùng nông thôn, miền núi sử dụng nhiều tấm lợp phi-brô xi-măng vì đây là vật liệu có giá thành rẻ hơn vật liệu khác, dễ vận chuyển, dễ sử dụng và khá bền. Hơn nữa, tấm lợp phi-brô xi-măng cũng được nhiều địa phương sử dụng để cấp phát, hỗ trợ cho các gia đình trong diện chính sách. Theo bà Hoàng Thị Lệ Hằng, đại diện VN-BAN, chỉ khoảng một phần ba số người được hỏi biết về những tác hại do a-mi-ăng gây ra. Tuy vậy, họ vẫn sử dụng bởi chưa có vật liệu thay thế khả thi. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có chế tài đối với việc sử dụng loại vật liệu này trong các hoạt động xây dựng.

Sau khi có sự vận động tích cực của nhiều tổ chức, bộ, ngành..., một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng không a-mi-ăng như Tân Thuận Cường (Hải Dương), Nam Việt NAVIFICO (TP Hồ Chí Minh), Bình Phát (Thanh Hóa)... Sản phẩm này dùng sợi PVA cùng một số chất phụ gia khác để thay thế. Mặc dù đã từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng tỷ lệ sử dụng sản phẩm mới rất thấp so với sản phẩm có chứa a-mi-ăng đang được sản xuất. Ngoài những bất lợi khi so sánh sản phẩm có và không có a-mi-ăng như công nghệ, phương pháp quản lý, chi phí đầu tư, giá thành sản phẩm thì hầu hết nhà sản xuất và người sử dụng cũng chưa thật sự sẵn sàng chuyển đổi. Điều đó cho thấy chế tài pháp lý cũng như mức độ nguy hại của vật liệu chứa a-mi-ăng chưa được cảnh báo đúng mức.

Những khuyến cáo về tác hại của a-mi-ăng từ các tổ chức khoa học, y tế quốc tế và trong nước đã được Bộ Xây dựng tiếp nhận và có văn bản báo cáo Chính phủ. Ngày 11-7-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7232/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình dừng sử dụng a-mi-ăng để chấm dứt sản xuất tấm lợp từ năm 2023. Đây có thể coi là cơ sở xây dựng khung pháp lý để tiến tới loại bỏ vật liệu chứa a-mi-ăng ở nước ta. Theo TS, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng: Việc xây dựng lộ trình loại bỏ a-mi-ăng là cần thiết, cho thấy kết quả của quá trình vận động lâu dài và từ nhiều phía. Không phải đến bây giờ Chính phủ mới có ý kiến về vấn đề này mà Quyết định 115/QĐ-TTg, ngày 1-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế a-mi-ăng. Đáng chú ý, cũng theo Quyết định nêu trên, kể từ năm 2004, không được sử dụng a-mi-ăng trong sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng.

Trong vài năm trở lại đây, việc vận động dừng sử dụng vật liệu chứa a-mi-ăng đã có những bước tiến đáng kể. Đó là sự thành công trong nghiên cứu vật liệu, giải pháp công nghệ thay thế; sự ủng hộ của nhiều tổ chức khoa học, y tế quốc tế; hiểu biết của nhà sản xuất và người tiêu dùng được nâng lên; giá sản phẩm không a-mi-ăng cạnh tranh hơn do kết quả của ứng dụng khoa học - công nghệ và giá dầu giảm... Một trong những mô hình được triển khai tại Nghệ An và Bắc Cạn là “Xây dựng cộng đồng nói không với Amiang” đã cho thấy kết quả tích cực. Theo ông Đào Bá Sơn, cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, mô hình đã nâng cao ý thức của người dân về sự độc hại của a-mi-ăng; vận động người dân chủ động thay thế vật liệu; biện pháp xử lý vật liệu phế thải có chứa a-mi-ăng...

Tuy vậy, việc dừng sử dụng a-mi-ăng trong sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng vào năm 2023 sẽ là lộ trình nhiều khó khăn bởi chưa nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất; thông tin về sản phẩm còn thiếu và chưa có sự minh bạch trước khi đến tay người tiêu dùng; các cơ sở sản xuất không bảo đảm an toàn lao động; sản phẩm không được dán nhãn chất lượng, thị trường nhỏ bé... Để thực hiện được, cần sự nỗ lực vào cuộc của các tổ chức trong nước và quốc tế, các bộ, ngành trung ương. Cần xem xét việc dán nhãn sản phẩm, cắt giảm nhập khẩu a-mi-ăng; không sử dụng ngân sách mua tấm lợp có a-mi-ăng để thực hiện chính sách. Đặc biệt, phải có sự tham gia tích cực của các nhà sản xuất, cơ quan thông tấn, truyền thông cũng như ý thức tự giác của chính quyền địa phương và người dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Những nghiên cứu của các tổ chức uy tín quốc tế như WHO, ILO, IARC đã chỉ rõ tác hại của a-mi-ăng đối với môi trường, đời sống con người là rất nghiêm trọng. Nhiều nước đã cấm sử dụng loại nguyên liệu này trong sản xuất bằng quy định của pháp luật nhưng nước ta thì chưa. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải hành động quyết liệt hơn nữa cho mục tiêu dừng sản xuất, tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng vật liệu có a-mi-ăng.

GS LÊ VÂN TRÌNH

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động