“Nhịp cầu” kết nối yêu thương

Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện; trở thành nhịp cầu kết nối những tấm lòng biết chia sẻ, yêu thương, góp phần mang đến niềm vui cho những người yếu thế, nhất là trên các lĩnh vực cứu trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe người bệnh, hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, dịch bệnh…

Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tặng suất ăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: THANH TÙNG
Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tặng suất ăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: THANH TÙNG

Bao năm phải sống trong căn nhà chật hẹp, dột nát, nhiều lần tốc mái, mối xông và đã bị đổ chỉ còn vỏn vẹn một gian, với mẹ con bà Hà Thị Tuất, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), việc dành dụm để xây được ngôi nhà khang trang gần như chỉ là giấc mơ xa vời, không thể thực hiện được. Chồng mất sớm do tai nạn lao động, một mình bà Tuất phải lam lũ nuôi hai con. Đến khi con trai lấy vợ, tưởng được an nhàn thì lại sinh con bị mắc căn bệnh tự kỷ, làm được bao nhiêu tiền đều tập trung chữa chạy cho cháu nhưng bệnh không thuyên giảm. Người con dâu bỏ đi, còn bà Tuất sức khỏe yếu lại phải ở nhà trông cháu nên mọi sinh hoạt của gia đình và tiền thuốc cho cháu chỉ trông chờ vào số tiền làm thợ xây của người con trai. Nhờ nguồn hỗ trợ của các cấp Hội Chữ thập đỏ cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với tường gạch, mái lợp tôn vững chắc. Thỏa ước mơ đã ấp ủ hàng chục năm trời, bà Tuất như khỏe ra, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định hơn. 

Cùng với gia đình bà Tuất, 5 năm gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có hàng chục ngôi nhà đã được xây dựng từ nguồn vận động của các Cấp Hội Chữ thập đỏ. Những ngôi nhà chữ thập đỏ được xây dựng ngày càng nhiều không chỉ là sự ủng hộ về vật chất, tạo điều kiện cho người nghèo an cư lạc nghiệp mà còn thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của xã hội đối với những người thiếu may mắn, giúp họ vững tin vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt hơn. Theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Tường, không chỉ thực hiện tốt phong trào xây nhà chữ thập đỏ, thời gian qua, các phong trào, hoạt động nhân đạo khác như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ủng hộ nạn nhân thiên tai, thảm họa”, “Hiến máu tình nguyện”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, hỗ trợ bò giống sinh sản, khám bệnh nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo… đều được các cấp hội trên địa bàn huyện triển khai có chiều sâu, thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của cộng đồng. 

Cùng với các hoạt động trợ giúp mang tính phát triển bền vững, như: trao tặng nhà chữ thập đỏ; cấp sổ tiết kiệm; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn... Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp Hội Chữ thập đỏ kịp thời hỗ trợ người dân Bình Định, Phú Yên mỗi tỉnh 200 thùng hàng và 150 triệu đồng. Đối tượng được hưởng lợi là gia đình có người bị thương, nhà bị sập, hư hỏng thiệt hại về lúa, hoa màu và sinh kế. Trong đó, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già cô đơn, phụ nữ là chủ hộ hoặc nuôi con dưới 5 tuổi sẽ được nhận hàng cứu trợ. Với phương châm “nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả”, Hội Chữ thập đỏ các cấp luôn được biết đến là một trong những lực lượng đầu tiên có mặt khi thiên tai, thảm họa xảy ra và cũng là lực lượng gắn bó lâu dài, bền bỉ với người dân trong suốt giai đoạn tái thiết, phục hồi, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như nhân dân đánh giá cao. 

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bước vào thời kỳ mới, phát huy kết quả đạt được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục củng cố và phát  triển tổ chức, tham gia tích cực công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người, phòng ngừa và ứng  phó thảm họa, tuyên truyền các giá trị nhân đạo, mở rộng quan hệ hợp tác với các  cơ quan, tổ chức trong nước, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác. Một số phong trào, cuộc vận động nhân đạo do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây (2017-2021), Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã hỗ trợ 13 triệu hộ nghèo với tổng giá trị 5.449 tỷ đồng; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá  nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trợ giúp gần 415.000 địa chỉ nhân đạo với số tiền hơn 536 tỷ đồng; “Tháng Nhân đạo” được triển khai từ năm 2018 đã trợ giúp 3,7 triệu lượt người với trị giá 1.545 tỷ đồng; hoạt động phòng, chống Covid-19 đạt 915 tỷ đồng; trong lĩnh vực hiến máu tình nguyện, toàn Hội đã vận động được 6.500.000 đơn vị máu, đạt 1,5% dân số; trợ giúp cho 12.500.000 lượt người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa trị giá hơn 1.935 tỷ đồng. Tổng trị giá hoạt động toàn Hội 5 năm gần đây đạt 15.371 tỷ đồng.

Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá chung, hiện hoạt động của Hội Chữ thập đỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên do ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền còn chưa coi trọng hoạt động Chữ thập đỏ; một số cơ quan, ban, ngành chưa thật sự vào cuộc, thiếu sự phối hợp đồng bộ; chất lượng tổ chức và kết quả hoạt động của các cấp Hội chưa đồng đều; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới nên chưa thu hút được sự tham gia, gắn bó của hội viên; việc thu hút, kêu gọi các chương trình từ thiện, nhân đạo của nhiều cơ sở còn thụ động, thiếu sáng tạo nên hiệu quả mang lại chưa cao…

Trong hai năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nước ta, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; gây ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, người kém may mắn dễ bị tổn thương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, xã hội để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giúp người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống; các cấp Hội Chữ thập đỏ cần tiếp tục phát huy truyền thống của người Việt Nam, khơi dậy tình yêu thương để sức mạnh đoàn kết, nhân ái không ngừng lan tỏa, cộng hưởng trong xã hội, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, xã hội để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giúp người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống. Trong sự nghiệp đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần xác định rõ hơn nhiệm vụ trọng tâm, có tính nền tảng, chiến lược và đột phá; nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Hội, làm “cầu nối” tin cậy, điều phối hoạt động nhân đạo, từ thiện của cả nước, huy động mọi nguồn lực, từng bước tự chủ trong hoạt động của Hội và trợ giúp các đối tượng, thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong những thời khắc khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, góp phần cùng cộng đồng chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19.