Nhiều dự án đô thị ở Mê Linh chậm triển khai

Từ trước khi được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh đã là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư xin đất làm dự án bởi vị trí đắc địa, là cửa ngõ vùng kinh tế động lực phía tây bắc TP Hà Nội, gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… Thế nhưng, sau khi được giao đất, nhiều dự án chậm triển khai, gây lãng phí rất lớn.

Một trong số những dự án chậm triển khai tại Mê Linh (Hà Nội).
Một trong số những dự án chậm triển khai tại Mê Linh (Hà Nội).

Ðược giao đất, rồi... để yên

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh, địa bàn huyện hiện có 47 dự án đô thị sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đang bị chậm tiến độ. Trong số đó, "ì ạch" nhất là hai dự án được cấp phép từ năm 2003, bảy dự án được cấp năm 2004, gần nhất có một dự án cũng được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2016. Tổng diện tích các dự án đô thị chậm triển khai ở Mê Linh lên tới 1.905 ha. Ðặc điểm chung là các dự án này đều tìm mọi cách kéo dài thời gian, chậm xây dựng các hạng mục như thuyết minh trong hồ sơ dự án. Thậm chí, một số dự án không triển khai bất cứ hạng mục gì, khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và đề nghị thu hồi thì vội vàng làm quấy quá vài công đoạn. Cán bộ kiểm tra vừa về thì máy móc, công nhân cũng rút hết. Chủ đầu tư dự án nào "ý tứ" hơn thì dùng tôn quây kín toàn bộ diện tích, bên ngoài dựng một vài tấm pa-nô lớn với hình ảnh minh họa vô cùng hoành tráng. Mặc dù chậm triển khai nhưng số dự án bị thu hồi chứng nhận đầu tư trên địa bàn huyện Mê Linh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có thể "điểm danh" các dự án như: Ðầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Chi Ðông (giai đoạn 2) có tổng diện tích 39,3 ha, mới đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) được 55%; khu nhà ở để bán Quang Minh, tổng diện tích 21,64 ha, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2003, vừa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; khu nhà vườn Kim Quy, diện tích 5,8 ha, cấp phép năm 2004, mới gần xong GPMB; khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, diện tích 40,05 ha, có giấy phép đầu tư năm 2008, nay mới cơ bản hoàn thành GPMB; khu đô thị Cienco 5 (giai đoạn 1), diện tích 37 ha, được cấp giấy phép năm 2008, mới hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; khu nhà vườn và biệt thự sinh thái Phúc Việt, cấp phép năm 2008, diện tích 24,3 ha, mới cơ bản hoàn thành GPMB và một số trục đường chính; khu đô thị Mê Linh, diện tích cấp phép 94,32 ha, có chứng nhận đầu tư năm 2008, nay mới GPMB được gần 50% diện tích, phần còn lại chưa triển khai; khu đô thị Golf Vinashin, được cấp phép năm 2004, có diện tích 217,7 ha, mới chi trả tiền đền bù GPMB được 70% và chưa nhận đất...

"Thẩm quyền quyết định trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ là của UBND thành phố Hà Nội. Phòng đô thị có chức năng tham mưu với UBND huyện để UBND huyện có kiến nghị, đề xuất, tham mưu UBND thành phố tìm cách tháo gỡ", ông Ðỗ Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh cho biết.

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

Theo số liệu UBND huyện cung cấp, tất cả giấy chứng nhận đầu tư của 47 dự án đô thị chậm tiến độ tại huyện Mê Linh đã hết thời hạn đầu tư. Tuy nhiên, mới chỉ có bốn dự án bị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, còn lại 43 dự án, sau khi UBND thành phố Hà Nội xem xét, điều chỉnh quy hoạch tổng thể trên địa bàn thì có 26 dự án đủ điều kiện được tiếp tục triển khai, 17 dự án chưa điều chỉnh (quy hoạch và chủ trương đầu tư) cho nên được yêu cầu ngừng triển khai các hạng mục đầu tư chờ hoàn thiện thủ tục.

Ðáng chú ý, trong số 47 dự án nêu trên, hầu hết được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đầu tư trước thời điểm huyện Mê Linh được sáp nhập vào TP Hà Nội (1-8-2008). Lẽ tất nhiên, sau khi Mê Linh trở thành một bộ phận địa giới hành chính Thủ đô, các dự án được cấp phép đã không còn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô; một số dự án nằm trong phạm vi vùng đệm xanh (cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí); số khác chưa thống nhất được chính sách, mức đền bù bồi thường GPMB do thay đổi địa giới hành chính; một số điểm chưa bố trí được tái định cư cho người dân; một số do năng lực quản lý, điều hành của chủ đầu tư yếu kém… Những dự án này, trước mắt còn chờ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thủ đô mới có thể triển khai các bước tiếp theo.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trên địa bàn huyện còn hơn 60 dự án các loại chậm tiến độ, hơn 2.000 ha đất chưa được đầu tư và mang lại hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðây là lãng phí rất lớn cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Từ trước đến nay, huyện liên tục đôn đốc chủ đầu tư các dự án, thậm chí yêu cầu phải cam kết tiến độ cụ thể đối với từng hạng mục đầu tư. "Sắp tới, huyện Mê Linh sẽ kiên quyết báo cáo và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đối với các chủ đầu tư không phối hợp triển khai thực hiện hoặc không đủ năng lực, nhất là các dự án có diện tích lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị thành phố sớm cho phép những dự án đủ điều kiện được tiếp tục triển khai nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương".

Theo ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hà Nội, thời gian qua Sở TNMT đã phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức được gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các dự án và đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý cụ thể (trong đó có 28 dự án kiến nghị thu hồi). Sở TNMT cũng kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 25 dự án. Khi hết thời hạn gia hạn mà chủ đầu tư không triển khai, Sở sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi mà không cần bồi thường về đất và tài sản trên đất.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND huyện Mê Linh phải thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ các dự án chậm tiến độ trong công tác điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện nghĩa vụ tài chính, các chính sách bồi thường GPMB, tái định cư... để báo cáo UBND thành phố. Qua đó thấy được năng lực của doanh nghiệp, trách nhiệm của chủ đầu tư và địa phương trong thực hiện các dự án để có phương án xử lý thích hợp.

Phùng Thị Hồng Hà
Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội