Ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng phòng hộ Quan Sơn

Rừng phòng hộ Quan Sơn (Thanh Hóa) có khoảng 65 nghìn héc-ta là rừng tự nhiên, trong đó có nhiều diện tích được cơ quan quản lý giao cho các hộ dân địa phương bảo vệ, chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian gần đây trong khu vực này xuất hiện một số vụ chặt phá cây rừng rất đáng báo động.

Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực suối Sa Lít ngày 31/3/2022.
Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực suối Sa Lít ngày 31/3/2022.

Theo phản ánh của người dân, ngày 17/1/2022, tại khu vực suối Len (bản Xộp Huối, xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) có hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ. Qua kiểm tra tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm phát hiện có tám cây gỗ đường kính khoảng 30 cm/cây đã bị chặt hạ. 

Vụ việc sau đó được báo cáo lên các cơ quan chức năng cấp trên; số gỗ tang vật được vận chuyển bảo quản tạm tại Trạm quản lý, bảo vệ Phiềng Luông phụ trách khu vực rừng thuộc xã Na Mèo. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cơ quan công an thụ lý, điều tra. Báo cáo số 15/BQL-KHKT ngày 18/1/2022 của Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa-NN và PTNT) cho thấy: Ít nhất có tám cây gỗ đường kính khoảng 30 cm/cây bị chặt hạ, ước tính tổng khối lượng gỗ khoảng 1,85 m3.

Trong khi nguyên nhân vụ chặt phá tại khu vực suối Len còn chưa được làm rõ thì ngày 31/3/2022, tại khu vực suối Sa Lít (bản Na Pọng, xã Na Mèo), người dân tiếp tục phát hiện có vụ chặt phá với năm thân cây bị hạ và báo lên cơ quan chức năng địa phương. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, tất cả số gỗ bị chặt hạ vẫn còn nguyên tại hiện trường, ước tính tổng khối lượng gỗ bị đốn hạ vào khoảng 8,7 m3. 

Theo hồ sơ đo đạc bằng thiết bị chuyên dụng của lực lượng kiểm lâm, cả hai địa điểm phát hiện việc chặt phá rừng đều thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn. Do số gỗ bị chặt hạ đều là gỗ tạp thông thường, không có giá trị về kinh tế, không có dấu hiệu chế biến, vận chuyển cho nên cơ quan chức năng nhận định hai vụ chặt phá rừng tại các khu vực nêu trên không có mục đích lấy gỗ để sử dụng, cũng không phải mục đích thương mại mà có tính chất phá hoại, gây mất ổn định và có dấu hiệu mâu thuẫn cá nhân giữa một số người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, hiện trường vụ phá rừng tại khu vực suối Sa Lít hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Các cây gỗ bị chặt hạ cách khá xa gốc, thân ngã đổ ngược hướng đường mòn, không bị cắt khúc và hầu như còn nguyên cành, ngọn. Số gỗ thu được tại khu vực suối Len đã được đưa về bảo quản tại trạm quản lý. 
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Sơn Nguyễn Trần Phương cho biết: Cả hai vụ việc chặt phá rừng đều xảy ra ở các khu vực xa, ít người qua lại cho nên không bị phát hiện ngay. Mặt khác, các vị trí đó đều đã được giao khoán cho hộ dân bảo vệ, chăm sóc nhưng người dân cũng không phát hiện đối tượng phá rừng. Khi nhận được tin báo, chúng tôi đều tổ chức lực lượng kiểm tra ngay, đồng thời thông báo các đơn vị liên quan phong tỏa các tuyến đường đề phòng đối tượng tẩu tán tang vật. 

Dù cho số lượng, giá trị gỗ bị chặt hạ không lớn nhưng khá nghiêm trọng do đây là rừng trong khu vực phòng hộ, được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm khai thác. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm Quan Sơn đã bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ đối tượng cũng như nguyên nhân chặt phá rừng để xử lý nghiêm. Theo ông Phương, từ trước đến nay trên địa bàn chưa từng xảy ra việc phá rừng có tính chất như vậy cho nên lực lượng chức năng cũng bị động. 

Xác minh thông tin vụ việc rừng phòng hộ Quan Sơn bị chặt phá, khai thác, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN và PTNT Thanh Hóa cho biết: Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy tại khu vực suối Len (lô 13, 14, 15, khoảnh 4, tiểu khu 211), tại địa điểm này có tám cây gỗ SP, loại thông thường, bị khai thác trái pháp luật. Mỗi cây có đường kính 20 cm đến 30 cm, cao 4,5 m đến 6 m, tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ là 5,44 m3. Số cây này nằm trên diện tích được Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn giao khoán cho ông Phạm Văn Tú, là một người dân địa phương.

Số lượng gỗ bị chặt hạ, khai thác, tại địa điểm nêu trên mặc dù đúng số lượng cây nhưng có sự chênh lệch đáng kể (1,87 m3 so với 5,44 m3). Ông Cường khẳng định tại thời điểm kiểm tra, số gỗ này còn nằm tại hiện trường, sau đó mới được vận chuyển về bảo quản tại Trạm Phiềng Luông.

Về thông tin tiếp tục có 5 cây gỗ, khối lượng 8,7 m3 mới bị chặt hạ ở khu vực suối Sa Lít, ông Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết mới nắm được thông tin do địa phương báo cáo lên ngày 31/3 vừa qua. “Hiện lãnh đạo Sở đang giao cho anh em phối hợp công an xác minh, làm rõ”.