Nâng cao ý thức phòng dịch Covid-19 tại các chợ dân sinh

Sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ dân sinh đã trở lại bình thường. Nhiều người dân đi chợ có tâm lý chủ quan, lơ là, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch ra cộng đồng.

Quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã ra thông báo cấm chợ cóc, chợ tạm... song hoạt động buôn bán vẫn nhộn nhịp tại phố Vũ Thạnh. Ảnh: Ngô Nhung
Quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã ra thông báo cấm chợ cóc, chợ tạm... song hoạt động buôn bán vẫn nhộn nhịp tại phố Vũ Thạnh. Ảnh: Ngô Nhung

Gần đây, ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid-19. Đáng nói là, một số ca nhiễm không xác định được nguồn lây. Phần lớn thời gian họ ở nhà, thỉnh thoảng đi chợ gần nhà để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Tại khu vực họp chợ cũng đã ghi nhận một số ca nhiễm là người bán hàng.

Trên toàn thành phố đã xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên quan các khu chợ dân sinh. Trước khi xuất hiện các ca mắc Covid- 19, hầu hết các quầy hàng trong chợ đều không yêu cầu người mua khai báo y tế, cũng không có tấm chắn giọt bắn. Nhiều người bán và người mua hàng không giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Trong khi đó, lực lượng chức năng thiếu sự quản lý, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở.

Tại chợ Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng đã có sáng kiến kẻ vạch, phân luồng để bảo đảm giãn cách khi mua, bán hàng hóa, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa tự giác tuân thủ quy định về giãn cách.

Hà Nội hiện có gần 10 chợ đầu mối và hàng trăm chợ dân sinh, nhưng đang xuất hiện lỗ hổng lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi phần lớn trung tâm thương mại, siêu thị, đều thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc khai báo y tế, thì tại các chợ dân sinh, quy định này không được áp dụng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, những ngày gần đây, số ca Covid-19 của Hà Nội liên tục tăng cao, có ngày cao nhất cả nước với hơn 1.600 ca, trong khi vào đầu tháng 11, số ca mắc mới chỉ từ 100 đến 200 ca/ngày. Hai tháng qua, Hà Nội có hơn 15.000 ca mắc Covid-19, một số bệnh viện tuyến cuối đã quá tải do số ca nặng tăng nhanh.

Trong khi đó, nhiều F0 không có triệu chứng, khi mật độ tiếp xúc cao như ở các khu chợ đầu mối, chợ dân sinh, dịch sẽ âm thầm lây lan trong cộng đồng. Nguy cơ lây nhiễm dịch từ các chợ dân sinh nhỏ cũng có thể bùng phát thành những ổ dịch lớn do việc truy vết gặp rất nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia y tế, bác sĩ Đào Trung Tuyến, để bảo vệ bản thân và cộng đồng, người dân đi mua hàng, người bán hàng, người lao động tại chợ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, quy định của cơ quan chức năng; không đến chợ khi đang trong giai đoạn cách ly hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở; đeo khẩu trang khi vào chợ, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi thanh toán, khi trao đổi với người bán hàng, người mua hàng; rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi vào chợ và khi ra về; không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.