Đẩy nhanh tiến độ giải cứu các doanh nghiệp thủy sản

Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm và cá tra, là thời điểm bứt phá của ngành thủy sản phía nam. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp thủy sản và nông - ngư dân gặp khó khăn liên hoàn. Nhiều doanh nghiệp thủy sản đối diện nguy cơ đứt gãy sản xuất, mất đơn hàng, mất thị trường xuất khẩu nếu không sớm có “phác đồ điều trị” chuẩn xác từ những chính sách, quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Cấp đông sản phẩm cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: VŨ SINH
Cấp đông sản phẩm cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: VŨ SINH

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh từ nửa cuối tháng 7 đến nay ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là TP Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã khiến việc sản xuất và xuất khẩu thủy sản bị giảm sút đáng kể. Phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đã phải tạm ngừng hoạt động, phần còn lại hoạt động cầm chừng với công suất từ 30% đến 50% số lao động, năng suất sản xuất cả vùng xuống rất thấp, chỉ còn khoảng từ 30% đến 40%.

Hệ lụy của điều này cho thấy cú đảo chiều rõ rệt giá trị xuất khẩu thủy sản ngay trong tháng 7. Nếu như nửa đầu tháng 7, xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng 16% thì sang nửa cuối tháng 7, giá trị xuất khẩu giảm tới 20% so với nửa đầu tháng, khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ rất quan trọng đối với ngành thủy sản, bởi đây là thời kỳ thu hoạch chính của tôm và cá tra. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), việc sản xuất, chế biến thủy sản đang đối mặt với hai khó khăn lớn, đó là vận chuyển và tiêu thụ. Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150 nghìn tấn thức ăn từ khu vực Ðồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, việc vận chuyển cả đường bộ và đường thủy gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không nằm cùng địa bàn, phải qua nhiều địa phương khác nhau. Việc vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn, đã làm gián đoạn lịch thả giống thứ hai trong năm và hoạt động thả nuôi vụ hai đang có xu hướng trầm lắng.

Về khâu tiêu thụ, Chủ tịch HÐQT Công ty FIMEX VN Hồ Quốc Lực nhận xét, vì dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại đồng bằng sông Cửu Long bị đảo lộn. Nhiều DN chế biến buộc phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19. Việc triển khai áp dụng quy định phòng, chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến người nuôi và DN không tránh khỏi lúng túng. Nhu cầu mua nguyên liệu giảm do hầu hết các nhà máy chế biến hiện nay đều buộc phải giảm công suất còn từ 30% đến 50% để thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế, DN chỉ đạt tối đa 50% công suất, không thể giải quyết lượng tôm, cá đang tồn đọng. Nhu cầu nguyên liệu giảm sẽ gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Cá tới lứa nhưng không nơi tiêu thụ, các DN nguyên liệu không còn cách nào khác phải tiếp tục “ngâm” cá dưới đầm, cá càng to, người nuôi càng lỗ nặng. Việc nông, thủy sản tại các tỉnh phía nam bị rớt giá, ứ đọng, sẽ khiến người nông dân thua lỗ, làm tăng nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất mùa sau.

Không chỉ các DN nguyên liệu, các DN chế biến thủy sản cũng đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do Covid-19, như trang bị cho công nhân làm việc “3 tại chỗ”, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hằng tuần, trong khi các chi phí đầu vào và logistics tăng cao...

Hiện tại khó có thể đưa ra dự báo kịch bản xuất khẩu thủy sản sáu tháng cuối năm vì dịch Covid-19 đang biến động rất khó lường. Tuy nhiên, ngành thủy sản sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi các địa phương kiểm soát tốt được dịch bệnh, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý III và sang quý IV. Ðể ngành thủy sản nhanh chóng phục hồi tốc độ và giá trị tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới, đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm từ 8,7 đến 9 tỷ USD, việc bảo đảm ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến ngay bây giờ là hết sức cấp thiết.

Ở góc độ DN, VASEP cho rằng, với ngành thủy sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Cộng đồng DN đang hết sức trông đợi vào những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay, để không chỉ bảo đảm an toàn cho người lao động mà có thể phục hồi kịp thời sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho nông - ngư dân. VASEP cũng đề xuất thực hiện những chính sách ưu tiên hỗ trợ DN, như: giảm lãi suất vay, giảm giá tiền điện đến hết năm 2021, giảm mức phí công đoàn…, đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm tựa, duy trì được “3 tại chỗ” và nhất là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Trước việc DN thủy sản gặp khó trong khâu vận chuyển và tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các tỉnh tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm vận chuyển thông suốt. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vừa trình Thủ tướng dự thảo nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn. Trong đó, giải pháp trọng tâm là ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại DN ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, và các DN trong chuỗi cung ứng…

Về dài hạn, ngành thủy sản Việt Nam xác định sẽ phải sống chung với dịch. Việc thực hiện đồng bộ thêm nhiều giải pháp như mở rộng “vùng xanh an toàn” tăng diện tích nuôi thủy sản; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển sẽ góp phần giúp ngành thủy sản hồi phục mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021.