Cung ứng, bình ổn hàng hóa trong dịp Tết

Gần tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Ðể bảo đảm đủ và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi các ngành chức năng cần linh hoạt phương thức cung ứng, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý.

Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại Siêu thị Big C (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI
Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại Siêu thị Big C (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI

Càng về cuối năm, dịp cận Tết Nguyên đán, nhiều người tiêu dùng càng lo lắng việc thị trường sẽ lập mặt bằng tăng giá mới. Bởi đây cũng chính là thời điểm nhu cầu tiêu dùng có xu hướng gia tăng, trong khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường trong cả nước. Trên thế giới xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khiến hoạt động sản xuất dự báo sẽ chịu ảnh hưởng, tạo áp lực lên cán cân cung-cầu dịp cuối năm. Ðiều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Chi ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ: "Dù hiện tại tôi đã cố gắng thắt chặt chi tiêu nhưng khoản chi cho bữa ăn hằng ngày của gia đình vẫn cao hơn trước dịch khoảng 20 đến 30%. Không chỉ thực phẩm, nhu yếu phẩm mà nhiều chi phí khác đều tăng. Sắp đến Tết Nguyên đán, đây là mùa cao điểm trong năm, không biết tình hình giá khi nào mới hạ nhiệt, ổn định trở lại". Chị Ngọc Bích, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, tại chợ Ðồng Xuân (Hà Nội) mở sạp trở lại được hơn một tháng nay. Ngoài vắng khách, điều khiến chị lo lắng nhất chính là giá nhiều loại bánh kẹo đều tăng, ít thì khoảng 10%, nhiều lên đến 20 đến 30%. "Dù nhiều chợ đã mở, đi lại thuận tiện hơn, nhưng đầu mối cung cấp thông báo không phải lúc nào cũng sẵn hàng. Bởi hiện nay việc sản xuất chưa trơn tru như trước do thiếu hụt công nhân, nguyên liệu. Mỗi thứ tăng một ít, đi chợ mà cái gì cũng tăng thì tôi khó bán, người dân cũng khó mua", chị Bích nói.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, thực tế, cứ đến dịp Tết thì nhu cầu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại tăng mạnh như gạo, các loại thịt, rau, củ, bánh mứt kẹo, bia, nước giải khát... Do đó, dù đã chủ động mọi phương án, nhưng yêu cầu đặt ra với các cấp, ngành chức năng vẫn là tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh... Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường, gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, không chỉ qua kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố), mà còn được tổ chức qua các kênh trực tuyến như website, đường dây nóng, ứng dụng trên thiết bị di động... Dự tính có khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức này.

Cung ứng, bình ổn hàng hóa trong dịp Tết -0
 Nguồn hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: MINH HÀ

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua. Từ đó chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Ðồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn. Có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân. Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Sở Công thương các tỉnh, thành phố, phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Tổ chức thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch Covid-19; tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và nhất là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, những đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Cùng với các giải pháp trên, các cơ quan chức năng cần linh hoạt phương thức cung ứng, bình ổn hàng hóa trong dịp Tết. Ðối với doanh nghiệp cung ứng cho thị trường Hà Nội, cần có kế hoạch cặn kẽ trong việc phân bổ, điều tiết hàng hóa giữa các khu vực. Nhất là phải dự báo sát nhu cầu của người dân cũng như khả năng đáp ứng những mặt hàng còn khan thiếu để chuẩn bị kỹ càng; rà soát việc tích trữ hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá, tác động xấu đến thị trường. Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, bán hàng đúng giá niêm yết, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, có giải pháp can thiệp kịp thời khi thị trường có dấu hiệu bất thường, không để người tiêu dùng bị trục lợi. Giữ được thế chủ động trong cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, thị trường sẽ ổn định, góp phần bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế.