Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Cô gái khuyết tật dạy nghề may

Câu chuyện về cô gái Phạm Thị Thắm, dù không may gặp biến cố làm nửa thân dưới bị liệt nhưng vẫn nỗ lực phi thường thực hiện ước mơ trở thành thợ may và dạy nghề cho nhiều người đã lan tỏa cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đến năm chín tuổi, Phạm Thị Thắm được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi, nhưng số phận nghiệt ngã bắt Thắm phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn. Không đầu hàng trước số phận, Thắm bắt đầu định hướng con đường tương lai của chính mình, tìm một nghề để có thể tự nuôi bản thân. Và Thắm đã thực hiện được điều mà mình đã mơ ước bằng chính nghị lực và sự quyết tâm. Tự tìm hiểu và học cách điều khiển máy may bằng khuỷu tay, khi cảm thấy mình có thể kiểm soát được máy, Thắm xin đi học nghề. May mắn Thắm vô tình gặp được người thầy của mình qua một lần trò chuyện trên Facebook. Cảm thông trước câu chuyện của cô gái, người thầy nhận lời dạy nghề cho Thắm và cuộc đời em bước sang trang mới. Sau sáu năm nỗ lực phấn đấu, hiện tại, Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang riêng. Bằng tay nghề của mình, Thắm có một lượng khách ổn định, khách hàng dần tin tưởng và đặt may những sản phẩm cao cấp như: áo dài, váy thiết kế... Trong cộng đồng thợ may và thiết kế trang phục quần áo hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, Thắm là một thành viên nổi bật vì em là người duy nhất ngồi xe lăn, nhưng vẫn có thể thiết kế và may đo trang phục không hề thua kém những người thợ bình thường khác. Không những vậy, Thắm còn mở lớp dạy may, nhiều học viên của Thắm đã thành nghề. Ở cơ sở của Thắm, những người khuyết tật khó khăn sẽ được học miễn phí. Bên cạnh đó, Thắm còn lập một kênh Youtube để chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp. 

Sau khi xem chương trình “Nối trọn yêu thương”, Thắm chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình. Không lâu sau đó, Thắm trở thành nhân vật của chương trình, câu chuyện của em đã truyền cảm hứng đến cho nhiều người, nhất là người khuyết tật để họ có niềm tin hơn trong cuộc sống.

QUỲNH TRANG (Thanh Hóa)

------------------------------------

Cố ý vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, số người mắc liên tục tăng cao. Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã có dịch, nhiều bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm Covid-19, phải tạm thời cách ly, ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Hậu quả này có một phần nguyên nhân từ những trường hợp vi phạm quy định trong phòng, chống dịch, để dịch lây lan ra cộng đồng.

Điển hình là trường hợp ca bệnh 2.899 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Theo quy định, sau cách ly tập trung phải tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, nhưng người này vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống và đi nhiều nơi, gặp gỡ, nhiều người. Do không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tự cách ly tại nhà, ca bệnh này đã làm lây nhiễm cho nhiều người, ở nhiều nơi, khiến dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội.

Cũng theo quy định, những người tiếp xúc gần với người dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế. Tuy nhiên, ca bệnh 3.092, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội có tiền sử ở cùng khách sạn với hai trường hợp dương tính là chuyên gia Trung Quốc trong thời gian đi du lịch tại TP Đà Nẵng, nhưng người này đã không khai báo y tế và còn tiếp xúc với nhiều người. Từ ngày 3-5, người bệnh có các biểu hiện dịch tễ như: sốt nhẹ, mệt mỏi, ho khan, đau cơ, tức ngực, khó thở, nhưng vẫn không liên hệ với cơ quan y tế tại địa phương, mà tự đi khám dịch vụ, tự điều trị tại nhà. Việc ca bệnh 3.092 không khai báo y tế, không cách ly dù có biểu hiện bệnh đã gây nên ổ dịch mới ở huyện Thường Tín, khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp.

Còn ca bệnh 3.051 ở Hải Dương từng vượt biên trái phép sang Lào trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sau đó nhập cảnh trái phép về lại Việt Nam. Khi về nước, người này đã sử dụng nhiều phương tiện để di chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Trị. Từ ngày 29-4, người bệnh có các biểu hiện dịch tễ: ho khan, rát họng và sốt nhưng vẫn tiếp tục đi nhiều nơi, đến khi thấy tình trạng bệnh nặng thêm mới đi làm xét nghiệm và được xác định là dương tính vi-rút SARS-CoV-2.

Hàng loạt vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta vừa được các lực lượng chức năng phát hiện đều có sự tiếp tay của một số đối tượng trong nước. Chỉ vì hám lợi mà những người này sẵn sàng tham gia tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào nước ta rồi trốn tránh cách ly. Đây chính là mối đe dọa lớn về sự xâm nhập dịch Covid-19 từ bên ngoài vào do bị mất kiểm soát đối với nguồn lây bệnh. 

Hành vi tiếp tay, giúp người nhập cảnh trái phép hay không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng đều vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm của các chủ nhà trọ, khách sạn tiếp tay cho những người nước ngoài nhập cảnh trái phép lưu trú bất hợp pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

THƯ MINH (Hà Nội)