Chuyển đổi số để phát triển ngành du lịch

Ngành du lịch Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi từ kinh doanh du lịch truyền thống sang ứng dụng công nghệ số.

Du khách đi thuyền trên sông Hoài, Quảng Nam (Ảnh minh họa: Tấn Nguyên).
Du khách đi thuyền trên sông Hoài, Quảng Nam (Ảnh minh họa: Tấn Nguyên).

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành hiện chưa đồng bộ và thống nhất, còn phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Một số khách sạn, resort cao cấp và các đơn vị lữ hành lớn đã chủ động nâng cấp, cập nhật công nghệ thông tin hiện đại trong kinh doanh khi hội nhập thị trường du lịch quốc tế, nhưng để các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thực hiện được điều này rất cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Hiện nay, khi nhu cầu, thói quen của khách du lịch đã thay đổi, thì việc chuyển đổi số hay không sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp du lịch. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch lớn, các khách sạn và resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu. "Bức tranh" chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Hiểu được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Ðánh giá về hình thức cung cấp thông tin du lịch, ông Lê Phan Khánh, khách du lịch tại Ðà Nẵng chia sẻ: Các hình thức cung cấp thông tin du lịch hiện nay đang chia lẻ và mỗi nơi làm một kiểu. Thí dụ, khi tôi tìm hiểu thông tin giới thiệu du lịch trên website chính thức của một số tỉnh, thì có nhiều trang riêng biệt cùng giới thiệu, quảng bá về du lịch khiến thông tin chồng chéo, lộn xộn. Các doanh nghiệp cũng giới thiệu nhiều ứng dụng (app) du lịch với khách, nhưng tới mỗi điểm du lịch, muốn sử dụng, khách lại phải cài một ứng dụng riêng vào điện thoại. Ðiều này dẫn đến việc "loạn" ứng dụng phục vụ du lịch, vừa gây khó khăn cho người dùng vừa không hiệu quả, bởi thực tế du khách không thể cài nhiều ứng dụng vào máy.

Lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, hiện nay, đơn vị đang xây dựng dữ liệu về các điểm đến, dịch vụ du lịch. Ngành du lịch Ninh Bình mong Tổng cục Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số ở cấp độ địa phương để tạo sự thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng lãng phí, mỗi nơi thực hiện một cách.

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho rằng, Sở Du lịch đang đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án Du lịch thông minh. Theo đó, Sở đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch. Kho dữ liệu này được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, phục vụ cho bốn đối tượng là khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch nên có hướng dẫn tích hợp thông tin vào một ứng dụng, tránh tình trạng mỗi địa phương một ứng dụng và cuối cùng ít có sự tương tác, sử dụng từ du khách.

Các chuyên gia trong ngành du lịch cũng cho rằng: Ðể xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số thì trước hết, ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tảng có thể liên thông được dữ liệu. Thực tế hiện nay, dữ liệu được xây dựng tại các địa phương, đơn vị đang trong tình trạng cát cứ, mỗi nơi một kiểu.

Xác định việc chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng trong sự phục hồi và phát triển ngành du lịch sau dịch Covid-19, để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên thị trường quốc tế và giải quyết tình trạng nhỏ lẻ, tự phát của các ứng dụng nền tảng số trong du lịch, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý nhà nước. Dự kiến, cuối năm 2022, ứng dụng này sẽ đưa vào vận hành, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.

Phó Tổng cục Trưởng Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết: Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, ngành du lịch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được. Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Mobifone, FPT… cũng thường xuyên phối hợp Tổng cục Du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch.