Bảo đảm an toàn cho người lao động

Thời gian qua, nhiều người lao động trong các khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp phản ánh tâm trạng lo lắng khi làm việc trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Công nhân kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào khu vực nhà ở tại Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc).
Công nhân kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào khu vực nhà ở tại Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc).

Trước thực trạng này, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, đồng thời bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 khu công nghiệp (KCN) và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450 nghìn công nhân. Nhiều công ty lớn tại các KCN tập trung như: Samsung SEV, Canon, Foxconn, Goerteck, Diana…, mỗi công ty có từ 10 nghìn đến vài chục nghìn người lao động. Với mật độ tập trung công nhân cao như vậy, nếu dịch Covid-19 xảy ra tại khu vực sản xuất sẽ bùng phát dịch rất cao, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy. Vì vậy, tỉnh yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải bố trí xét nghiệm tập trung, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ mới được đến làm việc tại nhà máy. Ðồng thời, yêu cầu công nhân, người lao động cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban quản lý các KCN hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định). Ngoài ra, doanh nghiệp cần tiến hành bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Ðịnh kỳ mỗi tuần doanh nghiệp xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân ở lại nhà máy và khuyến khích các công nhân ở lại ít nhất 15 ngày một đợt. Tất cả các lao động không tham gia sản xuất mà ở tại nhà trọ/nơi cư trú không được đi ra khỏi nơi cư trú theo tinh thần nhà cách ly với nhà, phòng cách ly với phòng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, việc bố trí chỗ lưu trú cho người lao động được coi là giải pháp tối ưu và sáng tạo, chưa có tiền lệ để giúp doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các công nhân yên tâm lao động, sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm ít nhất 50% số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy; đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm đến mức thấp nhất số lượng công nhân đi làm.

Ngay sau khi phát hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương truy vết các ca bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách, cách ly y tế, cách ly xã hội ở nhiều khu vực. Tại các KCN, 100% các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch; cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch, thành lập hơn 7.600 tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp. Huyện Tiên Du có ba KCN tập trung: KCN Tiên Sơn, KCN Ðại Ðồng - Hoàn Sơn và KCN VSIP. Tính riêng tổng số công nhân thuê trọ tại hai xã Hoàn Sơn, Ðại Ðồng đã hơn 26 nghìn người, chiếm gần một phần hai số dân trên địa bàn. Ðại diện Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh cho biết, công ty đã thành lập Tổ an toàn Covid-19 và yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên thực hiện khai báo hành trình và sức khỏe hằng ngày trong giai đoạn cao điểm của dịch. Công ty đã làm xét nghiệm Covid-19 cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và 100% mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Hiện tại, công ty đã đóng cửa các công viên, khu thể thao, tập gym ngoài trời, không để người dân tụ tập trong phạm vi KCN.

Còn tại Hà Nam, bảy trong tám KCN đang hoạt động với hơn 65 nghìn lao động làm việc, những ngày qua, các doanh nghiệp trong các KCN đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch cho toàn thể cán bộ và người lao động. Các công nhân đến làm việc phải thực hiện nghiêm quy định khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào công ty. Ðể bảo đảm an toàn theo quy định phòng, chống dịch, doanh nghiệp đã chia nhỏ nhóm ăn giữa ca của công nhân, các bàn ăn đã bố trí vách ngăn để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chị Ngô Thị Huyền, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH Park Electronic Vina, KCN Ðồng Văn 4, tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Hà Nam, công ty luôn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu công nhân khai báo y tế khi trở lại làm việc, luôn đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách tại khu vực bếp ăn".

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã chủ động liên hệ, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế cũng như của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ban hành nhiều văn bản liên quan để kịp thời chỉ đạo. Ðồng thời, thành lập các đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp nhằm tăng cường kiểm soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, lập bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ðối với các chuyên gia người nước ngoài mới làm việc phải cách ly y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các doanh nghiệp phải có cam kết với ban quản lý KCN và cơ quan y tế. Nếu có trường hợp F0, F1, F2 thì doanh nghiệp phải có phương án xử lý.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo kiên quyết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm toàn bộ cho chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động tại các KCN và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí của chính doanh nghiệp (ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho đối tượng F0, F1), nếu doanh nghiệp nào có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao mà chưa hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, tỉnh sẽ xử phạt theo đúng quy định và yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Ðể đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp về nơi ở cho chuyên gia, người lao động trong các khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 2.600 chuyên gia, cán bộ quản lý, hơn 27 nghìn công nhân ngoại tỉnh đang làm việc trong các KCN, trong đó có khoảng 22.560 người ở lại tỉnh, khoảng 5.000 người đi về hằng ngày giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố khác. Hiện tại, Vĩnh Phúc đã sắp xếp hơn 800 phòng ở cho chuyên gia bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Ký túc xá Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại được trưng dụng làm nơi ở miễn phí cho công nhân ngoại tỉnh. Ðến nay, Vĩnh Phúc đã cơ bản bảo đảm các điều kiện về chỗ ở cho chuyên gia, người lao động ở các tỉnh để các doanh nghiệp tại địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Ban quản lý các KCN ở các tỉnh cũng đã triển khai ngay việc thành lập tổ Covid cộng đồng tại các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các Trung tâm y tế để xây dựng kịch bản ứng phó khi xảy ra dịch tại doanh nghiệp, trong KCN; kịp thời nắm thông tin các doanh nghiệp, các đối tượng có nguy cơ cao để đôn đốc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; rà soát, đề xuất các đối tượng xin nhập cảnh đúng quy định; tổng hợp, thường xuyên báo cáo tình hình phòng, chống dịch theo quy định.

ÐỨC PHƯƠNG SƠN

Yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN, tổ chức cho người lao động ở tạm trong doanh nghiệp để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây lan dịch bệnh nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, điện, nước, chiếu sáng, thông gió, vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Vương Quốc Tuấn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh

Các biện pháp mà tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong đợt dịch hiện nay là ở mức cấp bách. Ðề nghị các doanh nghiệp, đơn vị và người lao động chấp hành nghiêm các quyết định về phòng, chống dịch để cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Lê Duy Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc