Ý KIẾN BẠN ÐỌC

Ðừng để thú vui thả diều thành mối lo

Thả diều là thú vui của nhiều học sinh trong những ngày hè. Tuy nhiên, nếu thả diều không đúng nơi, đúng chỗ thì thú chơi lành mạnh này trở thành mối lo. Ðơn vị quản lý điện tại Quảng Bình liên tục cảnh báo song tình trạng thả diều vướng dây điện gây nguy cơ cháy nổ vẫn diễn ra.

Các bạn trẻ chỉ cần bỏ ra khoảng 30 nghìn đồng đã có một chiếc diều bắt mắt với đủ hình dáng, mầu sắc. Chiều, gió phơn thổi mạnh, diều lên cao, các bạn trẻ tha hồ đắm mình trong trò chơi mang đậm bản sắc dân gian này. Ðiều đáng nói là hiện nay ở Quảng Bình, nhiều học sinh chơi diều thường thích đâu thả đấy: từ trong ngõ xóm, đường đê, bãi biển đến những tuyến đường giao thông đông người và phương tiện, rồi khu vực có nhiều đường dây điện cao áp.

Theo các cán bộ kỹ thuật an toàn điện, Công ty Ðiện lực Quảng Bình, nếu chiếc diều đang bay rồi nhào xuống, vướng vào đường dây điện đang vận hành thì rất dễ gây chạm, chập điện, cháy nổ làm hư hỏng thiết bị điện; nghiêm trọng hơn là gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thậm chí, người chơi diều còn bị điện giật, nguy hiểm đến tính mạng nếu cố tình áp sát đường dây điện, trèo lên cột điện để gỡ diều bị vướng.

Ðội quản lý vận hành lưới điện cao thế thuộc Công ty Ðiện lực Quảng Bình cho biết: Ngày 4-2-2020, đơn vị lấy một chiếc diều mắc vào dây dẫn tại khoảng cột 79-80 đường dây 110 kV Ba Ðồn - Hòn La, thuộc xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch; ngày 5-5-2020, xử lý trường hợp diều vướng dây điện trên đường 12A, đoạn qua huyện Tuyên Hóa…

Thả diều hay vật bay vào hành lang lưới điện là hành vi vi phạm về an toàn điện, được quy định tại khoản 3, Ðiều 4, Nghị định số 14/2014/NÐ-CP, ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Ðiện lực về an toàn điện. Ngoài ra, để xảy ra sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NÐ-CP, ngày 17-10-2013 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả".

Theo đó, hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng, đồng thời bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo quy định của Nhà nước. Riêng các trường hợp gây sự cố nghiêm trọng như: hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, mất điện trên diện rộng… bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc tuyên truyền, vận động trẻ em không thả diều trên hành lang an toàn lưới điện cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Cha mẹ nên quan tâm, nhắc nhở con em có ý thức và cẩn thận hơn khi tham gia trò chơi này để tránh những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc xảy ra.

HOÀNG PHƯƠNG

(Quảng Bình)