Quyết liệt xóa bỏ cây thuốc phiện tại các tỉnh biên giới

Theo bạn đọc phản ánh, sau một thời gian các địa phương quyết liệt thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện (cây anh túc) thành công thì hiện nay tại một số tỉnh biên giới như Cao Bằng, Ðiện Biên, Hà Giang,… xuất hiện tình trạng người dân tái trồng cây thuốc phiện. Ðây là hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại những nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân không trồng, sử dụng cây thuốc phiện thì cần xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Lực lượng chức năng xã Tri Phương, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phát hiện, phá nhổ cây thuốc phiện trồng trái phép. (Ảnh TTXVN)
Lực lượng chức năng xã Tri Phương, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phát hiện, phá nhổ cây thuốc phiện trồng trái phép. (Ảnh TTXVN)

Công an các xã Khánh Xuân, Xuân Trường vừa phối hợp cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) phát hiện, phá nhổ hơn 8.000 cây thuốc phiện trồng trái phép thuộc khu vực xã Khánh Xuân. Trước đó, từ tin báo của quần chúng nhân dân, Công an xã Khánh Xuân đã kiểm tra và phát hiện tại một thung lũng ở xóm Lũng Quẩy, xã Khánh Xuân có trồng nhiều cây thuốc phiện đang ra hoa. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định Phủng Mùi Khé (sinh năm 1980) và Chảo Mùi Nải (sinh năm 1978) cùng trú tại xóm Lũng Quẩy, xã Khánh Xuân đã trồng số cây thuốc phiện nêu trên. Tại cơ quan công an, Khé và Nải khai nhận đã trồng số cây thuốc phiện này.

Tại tỉnh Ðiện Biên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) đã phát hiện, bắt quả tang Hờ A Cấu (sinh năm 1986, trú tại bản Huổi Po, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) đang trồng, chăm sóc hơn 3.200 cây thuốc phiện đang ra hoa, hình thành nhựa; phát hiện, bắt quả tang Vàng Thị Pa (sinh năm 1976, trú tại bản Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa) có hành vi trồng, chăm sóc hơn 1.800 cây thuốc phiện. Bước đầu các đối tượng Pa và Cấu khai nhận do nghiện ma túy cho nên đã trồng số cây thuốc phiện nêu trên ở khu vực đồi núi hẻo lánh để sử dụng… Hiện, toàn bộ số cây thuốc phiện của hai đối tượng đã bị các lực lượng chức năng nhổ phá.

Qua tìm hiểu, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng, trong đó có bộ đội biên phòng kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân các khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng, sử dụng cây thuốc phiện; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến một số bà con dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tái trồng cây thuốc phiện là do cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, số người nghiện ma túy khá cao. Bên cạnh đó, một số gia đình vẫn quan niệm trồng lẫn cây thuốc phiện vào các loại rau, củ ngắn ngày để rau ngon hơn; hoặc làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm; lấy thân, lá, hoa để ngâm rượu uống với mục đích tăng cường sức khỏe… Ðể tránh bị phát hiện, những người trồng loại cây này thường lựa chọn khu vực đồi núi hiểm trở, thung lũng hẻo lánh cách xa khu dân cư; khu vực biên giới giáp ranh với các nước bạn.

Ðể hạn chế, đẩy lùi tình trạng tái trồng cây thuốc phiện tại địa phương, Trung tá Vũ Ðình Nghi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Ðiện Biên cho biết: Trước mùa gieo trồng cây thuốc phiện (khoảng tháng 1 hằng năm) Công an tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo công an các huyện chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.

Ðặc biệt là phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện… Do triển khai đồng bộ các biện pháp, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã giảm dần. Trong năm 2021 toàn tỉnh Ðiện Biên phát hiện, phá nhổ 811 m2 trồng cây thuốc phiện tại các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Ảng; so với năm 2020 diện tích trồng loại cây này giảm 163 m2... ■

Hành vi trồng trái phép các loại cây có chứa chất ma túy như cây thuốc phiện là vi phạm Ðiều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Ðiều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các quy định liên quan. Người trồng cây thuốc phiện có thể bị phạt đến 7 năm tù nếu trồng với số lượng 3.000 cây trở lên; tái phạm nguy hiểm;... Trường hợp người vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt đến 10 triệu đồng và phạt 20 triệu đồng đối với tổ chức theo Ðiều 23 Nghị định 144/2021/NÐ-CP. Nếu là người nước ngoài vi phạm có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam…

Luật sư TRẦN MẠNH TOÀN

(Công ty Luật Mạnh Toàn và Cộng sự, tỉnh Thái Bình)

Nhiều người vẫn coi cây thuốc phiện là cây "thần dược", ngâm rượu chữa bách bệnh, nhất là đối với nam giới có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý. Ðây là điều không có cơ sở khoa học. Qua nghiên cứu cho thấy, nếu dùng rượu ngâm cây anh túc quá nhiều, kéo dài sẽ gây mất trí nhớ, rối loạn thần kinh; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng gan, thận,… kèm theo các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa. Nếu người sử dụng với nồng độ đậm đặc, quá liều thì có thể dẫn tới tử vong.

TS, BS ÐINH THỊ LAM

Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội)

 HIẾU TÚ LAN và PHƯƠNG LINH