Nhiều khó khăn, thách thức ngay đầu năm học mới

Năm học mới đã bắt đầu. Sau lễ khai giảng trực tuyến, các lớp học online (trực tuyến) được triển khai ở nhiều địa phương để ứng phó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch vừa duy trì việc học tập. Tuy vậy, đã xuất hiện nhiều khó khăn, trở ngại, cần sự linh hoạt của mỗi thầy, cô giáo, trường lớp, địa phương để bảo đảm chất lượng dạy và học.

 Nhân viên Nhà sách Số (NXB Giáo dục Việt Nam) chuẩn bị SGK để gửi đi theo đơn mua của phụ huynh học sinh. Ảnh: TTXVN
Nhân viên Nhà sách Số (NXB Giáo dục Việt Nam) chuẩn bị SGK để gửi đi theo đơn mua của phụ huynh học sinh. Ảnh: TTXVN

Bước vào năm học mới, nhưng con gái học lớp 1 của anh Lê Huy ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn chưa có đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Anh Huy chia sẻ, do không lường trước được tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian thực hiện giãn cách kéo dài, đến nay gia đình anh vẫn chưa thể mua đủ sách vở, đồ dùng học tập cho con. “Cũng may là tôi còn giữ lại một số sách giáo khoa cũ nên con có thể học tạm trong lúc chờ bộ sách mới đầy đủ hơn”, anh Huy cho biết.

Chị Thanh Hương ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cũng chia sẻ, con gái chị đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn. Từ cuối học kỳ 2 năm học 2020 - 2021, chị đã đăng ký mua sách giáo khoa cho con. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học khi năm học chưa kết thúc, thành phố cũng thực hiện nhiều đợt giãn cách, cho nên dù đã bước vào năm học mới, con gái chị vẫn chưa nhận được sách giáo khoa. “Tôi được biết nhà trường đã giao sách giáo khoa về các lớp, cô chủ nhiệm cũng đã bàn giao cho ban phụ huynh lớp, nhưng do quy định giãn cách, việc đi lại, giao nhận gặp nhiều khó khăn, cho nên đến nay tôi và một số phụ huynh vẫn chưa nhận được sách giáo khoa cho con”.

Hiện, không chỉ Hà Nội mà một số địa phương khác cũng có tình trạng nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng, thiết bị học tập. Ngày 5/9 là khai giảng năm học mới, nhưng tỉnh Bạc Liêu vẫn thiếu toàn bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, mặc dù trước đó địa phương này đã chủ động đặt mua sách giáo khoa của nhà xuất bản ở TP Cần Thơ. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều học sinh là con em của những lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, không có sách giáo khoa, không đủ đồ dùng học tập do cha mẹ khó khăn về tài chính và do quy định giãn cách nghiêm ngặt. Nhiều học sinh về quê tránh dịch chưa thể trở lại thành phố, trong khi thiết bị, đường truyền học trực tuyến không có. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn chưa thể làm thủ tục cho con vào lớp 1.

Không chỉ thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập mà việc học online ở nhiều nơi cũng gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của bạn đọc, ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, tình trạng thiếu phương tiện, thiết bị để học tập như: máy tính, ipad, điện thoại thông minh, mạng internet còn khá phổ biến, có nơi chiếm đến một nửa số học sinh. Thậm chí, một số nơi chưa có điện lưới quốc gia hoặc nguồn điện chập chờn, khó bảo đảm cho việc học trực tuyến. Ngay tại các thành phố lớn thì tình trạng nghẽn mạng, rớt mạng cũng thường xảy ra, khiến việc dạy và học bị gián đoạn. Đối với những học sinh lớp 1, việc học online càng trở nên khó khăn vì các con mới bước vào môi trường học tập mới, các môn học mới, lại không được thầy, cô giáo trực tiếp hướng dẫn kèm cặp, phải học qua màn hình, làm quen với các thiết bị công nghệ.

Trước những khó khăn này, một số tỉnh như: Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Bình Định, TP Cần Thơ… đã quyết định không tổ chức dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học hoặc riêng khối lớp 1. Còn tại TP Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động hướng dẫn các trường dạy học trực tuyến trong hai tuần đầu năm học mới chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Sau đó, giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen, những học sinh chưa có sách giáo khoa thì tiếp cận sách qua địa chỉ: https://hanhtrangso.nxbgd.vn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cho phép các công ty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng sách, đồ dùng học tập cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp như mua lương thực, để học sinh có sách giáo khoa và đồ dùng học tập khi bước vào học bài mới.

TP Hồ Chí Minh cũng rất linh hoạt khi chỉ đạo các trường sẵn sàng tiếp nhận học sinh lớp 1, khi phụ huynh gọi điện đến trường đăng ký cho con vào học, nhưng vì lý do giãn cách nên nộp hồ sơ muộn. Đối với học sinh về quê tránh dịch, có thể đăng ký học tạm tại nơi đang sống, hoặc học từ xa nếu có thiết bị và đường truyền. Khi tình hình đi lại thuận lợi thì gia đình đón con về và kết quả học tập của học sinh ở địa phương khác vẫn được nhà trường tiếp nhận. Sở GD - ĐT thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp Đài Truyền hình thành phố đưa các bài giảng lên sóng truyền hình, đồng thời làm việc với các đơn vị cung ứng đường truyền internet giúp cho việc học online không bị gián đoạn.

Ở một số địa phương, ngành bưu điện đã tổ chức dịch vụ phát sách giáo khoa, đồ dùng học tập tại nhà cho học sinh. Bằng cách phối hợp nhà trường để tạo đường link cho các giáo viên chủ nhiệm gửi đến từng phụ huynh đăng ký nhận sách, đồ dùng học tập tại nhà. Căn cứ danh sách đăng ký, bưu điện sẽ lấy hàng tại các địa điểm do nhà trường cung cấp để chuyển phát tới từng gia đình học sinh. Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể lựa chọn các loại sách giáo khoa, đồ dùng học tập trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ngay sau khi nhận được đơn đặt hàng, bưu điện sẽ nhanh chóng chuyển phát các mặt hàng đến địa chỉ phụ huynh học sinh đăng ký.

Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch Covid-19, trước năm học mới, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khó khăn, giảm tải chương trình học.