Kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ người lao động

Ðợt dịch Covid-19 thứ tư lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong cả nước khiến hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ việc, thu nhập giảm sút, đời sống bấp bênh. Vì vậy, nhiều bạn đọc cho rằng, việc khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời và đầy đủ là rất cần thiết.

Chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nghèo. Ảnh minh họa: TTXVN.
Chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nghèo. Ảnh minh họa: TTXVN.

Lao đao vì dịch bệnh

Tháng 5 và 6 vừa qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã buộc phải tạm đóng cửa bốn khu công nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp, kéo theo gần 150 nghìn lao động phải ngừng việc. Tương tự, tỉnh Bắc Ninh có hơn 42 nghìn lao động phải ngừng việc. Hàng triệu người lao động trong các khu vực bị phong tỏa, giãn cách tại hai tỉnh này phải "nằm nhà" để thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Nhiều công nhân, người lao động thuộc diện F0, F1 phải đi cách ly tập trung.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay đã có hơn 230 doanh nghiệp dừng hoạt động, hơn 1.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khiến hơn 7.500 công nhân lao động bị mất việc làm, hơn 28 nghìn lao động thiếu việc làm. Chỉ riêng Công ty TNHH Canon Việt Nam đã có tới gần bốn nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc. Những ngày qua, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp F0, kéo theo hàng nghìn F1, F2, trong đó hầu hết là người lao động. Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Ðức đóng tại thôn Kênh Ðào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) hiện có hàng chục công nhân đang phải cách ly tại nhà. Tại Khu công nghiệp Thăng Long (Ðông Anh, Hà Nội) cũng xuất hiện một số trường hợp F0 là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam và Công ty TNHH Molex Việt Nam.

Nghỉ việc không lương, cũng không có khoản tiền tích lũy nhưng hàng chục nghìn công nhân ngoại tỉnh trong các khu nhà trọ vẫn phải trả tiền thuê phòng trọ và trang trải mọi chi tiêu sinh hoạt, ăn uống, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

TP Hồ Chí Minh đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có trước làn sóng dịch Covid-19 lần thư tư này. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 9-7, toàn thành phố thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày để giảm nguy cơ dịch lây lan rộng hơn trong cộng đồng. Hiện, thành phố có khoảng 230 nghìn lao động tự do, làm các công việc như: bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong, làm thuê các quán ăn, bốc vác, vận chuyển thuê bằng xe ba gác… Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lao động này bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Sớm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động

Trước những khó khăn của người lao động, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ lao động tự do; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất… Các điều kiện, thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ cũng được đơn giản hóa tối đa và rút ngắn thời gian giải quyết. Theo quy định, chậm nhất từ 7 đến 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ðây là quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai thực hiện các gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quyết sách kể trên. Ðơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, người lao động tự do đã được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày, kể cả lao động tạm trú cũng được hỗ trợ mà không cần phải có xác nhận nơi thường trú. Thành phố cũng đã hỗ trợ cho khoảng 80 nghìn lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mức 1,8 triệu đồng/người, đồng thời hỗ trợ khoảng 20 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức 1,8 triệu đồng/người. Ngoài ra, địa phương này hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi 1 triệu đồng/trẻ em.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều địa phương vẫn đang trong thời gian xây dựng kế hoạch, tiêu chí, quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ, chưa tiến hành chi trả người lao động. Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, Sở sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện.

Nhiều bạn đọc cho rằng, trong bối cảnh Hà Nội đã tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ, khiến hàng nghìn lao động phải nghỉ làm thì việc triển khai ngay gói hỗ trợ để kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là những lao động tự do là rất cần thiết và cấp bách. Mới đây, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng đã thành lập tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với mục đích không để đoàn viên, người lao động bị đói ăn, thiếu chỗ ngủ…

Mới đây, trong công điện gửi các tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QÐ-TTg một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Việc thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thể hiện trách nhiệm của chính quyền vì nhân dân phục vụ.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ; đặc biệt là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

(Trích Công điện số 05/CÐ-LÐTBXH, ngày 20/7/2021, của Bộ LÐ-TB và XH)

ANH THƠ