Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản tại Hà Nội nói riêng và các địa bàn trên cả nước nói chung gặp không ít khó khăn.

Người tiêu dùng Hà Nội mua thanh long ruột đỏ tại siêu thị Big C. (Ảnh NGỌC TÂN)
Người tiêu dùng Hà Nội mua thanh long ruột đỏ tại siêu thị Big C. (Ảnh NGỌC TÂN)

Cùng với việc thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, các đơn vị và ngành chức năng trên địa bàn thành phố cần có những giải pháp cùng đồng hành, hỗ trợ nông dân mở rộng nhiều kênh tiêu thụ nông sản, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở làng hoa Tây Tựu chia sẻ, năm nay nhà chị trồng hơn một sào hoa ly. Mọi năm, vào dịp Tết, thương lái đến tìm mua rất nhiều. Thậm chí, còn đặt cọc mua trước cả vườn. Hoa trồng ra không đủ bán, vậy mà năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoa để chất đống không ai mua. Trong năm ngoài hoa ly, gia đình chị còn đầu tư trồng nhiều loại hoa khác, nhưng cũng không bán được. Chỉ tính riêng tiền vật tư, điện chiếu sáng, đến nay việc thu hồi vốn rất khó khăn. Cùng cảnh với gia đình chị Tuyết, bác Nguyễn Văn Bình ở làng hoa Tây Tựu cho biết, trước Tết, thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bác đã cắt bán được hơn hai sào vừa đủ vốn. Hiện vẫn còn hơn một sào đến kỳ thu hoạch không ai mua, đành phải cắt bỏ dưỡng đất trồng vụ khác...

Hiện nay, không chỉ tại làng hoa Tây Tựu mà việc tiêu thụ nông sản của nhiều xã trên địa bàn Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh bùng phát, việc vận chuyển bị hạn chế. Nhất là trong thời điểm chính vụ thu hoạch, tiêu thụ hàng nông sản càng trở thành “bài toán” khó đối với địa phương. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng phải đóng cửa, nên việc tiêu thụ rau của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (online), tình hình tiêu thụ rau của hợp tác xã bắt đầu ổn định, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được 2-3 tạ rau. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương, với sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, mỗi ngày hợp tác xã bán được 2 tạ rau an toàn. Cùng với đó, hợp tác xã đẩy mạnh bán hàng online, đặc biệt thông qua các hội, nhóm kết nối trên mạng xã hội facebook...

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, là đơn vị chủ trì, Sở Công thương đã linh hoạt, chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị triển khai các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Theo đó, để hỗ trợ các địa phương về đầu ra sản phẩm, Sở Công thương đã kết nối các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào kênh phân phối hiện đại của thành phố như: Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; các sàn thương mại điện tử gồm: Lazada, Amazon, Shopee, Sen đỏ, Tiki… Bên cạnh đó, kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp chế biến lớn trên cả nước; kết nối thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, kết nối qua các hình thức trực tuyến; kết nối đưa vào tiêu thụ tại kênh phân phối của nước ngoài: Aeon, Lotte, MM Market... Thông tin kết nối sản phẩm Hà Nội và các tỉnh, thành phố được Sở Công thương Hà Nội đăng tải trên website để các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng. Kết quả đã kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố gần 200.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.

Với sự hỗ trợ linh hoạt của các ngành chức năng, việc liên kết tiêu thụ nông sản trong mùa dịch đã có những bước tiến khả quan. Song thực tế cho thấy, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn mang tính thời vụ, chưa thật sự bền vững... Sự kết nối giữa sản xuất và phân phối thời gian qua vẫn còn yếu dẫn đến tình trạng hàng hóa, nông sản khó tìm đầu ra. Một trong những nguyên nhân là do người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, bảo đảm được chất lượng hàng hóa để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản chưa bảo đảm vệ sinh, chưa có mã số, mã vạch; mẫu mã, bao bì không bắt mắt, cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và giữa Hà Nội và các địa phương trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, cùng với tinh thần chủ động của nông dân, cần có sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và nhất là cán bộ ở địa phương để giúp nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả, đồng thời mở ra hướng đi mới trong xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu nông sản. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất cần tăng cường kết nối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, các điểm tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online, livestream trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội; liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP để bảo đảm nguồn hàng cung cấp ổn định.

Tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí bán hàng online, livestream nhằm giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP. Chú trọng tuyên truyền danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm OCOP; đơn vị bán hàng online, livestream qua mạng xã hội như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo... cho người tiêu dùng nắm bắt thông tin. UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các điểm bán hàng trên các phương tiện truyền thông tại địa phương để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và vẫn bảo đảm hàng hóa lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh ■