Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động

Mặc dù đã có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc, nhưng thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ lừa đảo đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài và đưa người đi lao động ở nước ngoài trái phép gây thiệt hại về kinh tế, thậm chí là tính mạng của người dân cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt và khám xét đối tượng lừa đảo tổ chức cho nhiều người đi lao động trái phép tại Nhật Bản. Ảnh: Trần Lê
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt và khám xét đối tượng lừa đảo tổ chức cho nhiều người đi lao động trái phép tại Nhật Bản. Ảnh: Trần Lê

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Cao Thị Ngọc Ánh (43 tuổi, trú phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đầu năm 2018, Cao Thị Ngọc Ánh thành lập Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Quý Ðức (có trụ sở tại số 18 đường Phạm Hùng, Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học và xuất khẩu lao động. Cao Thị Ngọc Ánh liên lạc và gặp Nguyễn Thị Ngọc Lam (sinh năm 1985, trú xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đưa ra thông tin Hàn Quốc đang có chương trình du học, lương khoảng 36 triệu đồng/tháng, chi phí để đi xuất khẩu lao động là 150 triệu đồng/người. Sau đó, Cao Thị Ngọc Ánh đã thông qua Nguyễn Thị Ngọc Lam và Vũ Thị Hồng (sinh năm 1984, trú phường Ðức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) nhận hồ sơ của những người có nhu cầu. Sau đó những đối tượng này thu hồ sơ và tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động của một số người. Ðến hẹn, nhiều người ra Hà Nội nhận thị thực nhập cảnh (visa) thì Cao Thị Ngọc Ánh thông báo "do dịch bệnh chưa thể lên gặp Ðại sứ quán Hàn Quốc để xem visa" và chỉ mở máy điện thoại cho xem hình ảnh visa của một số người, nhưng thực chất đó là những visa được làm giả để lấy lòng tin của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Cơ quan điều tra xác định, Công ty của Cao Thị Ngọc Ánh không có giấy phép về việc đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng Ánh đã nhận hồ sơ của 26 người trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn bị can để điều tra về tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài", gồm: Lê Duy Anh (40 tuổi, ngụ xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), Trần Thị Thành (60 tuổi, ngụ phường Hưng Phúc, TP Vinh), Hồ Thị Hằng (54 tuổi, ngụ phường Trường Thi, TP Vinh) và Trần Thị Hà (45 tuổi, ngụ thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An). Bốn bị can này bị cáo buộc liên quan đường dây lừa đảo hơn 400 người đi xuất khẩu lao động qua Ô-xtrây-li-a. Trong đó, bị can Lê Duy Anh là Giám đốc Trung tâm đào tạo tư vấn du học Chấn Hưng có trụ sở tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) được xác định là người cầm đầu. Theo tài liệu điều tra, dù không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng từ tháng 9-2015 đến tháng 1-2019, Lê Duy Anh đã cấu kết với các nghi phạm để tuyển người lao động đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a.

Theo cơ quan điều tra, do nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, nhất là nhu cầu đi lao động tại nước ngoài với mong muốn có mức lương cao, cho nên nhiều đối tượng đã đưa ra những lời mời chào đầy hấp dẫn và ngon ngọt để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Trong khi đó, người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động, nhưng lại muốn đi nhanh với chi phí thấp cho nên đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo. Vì nhiều lý do khác nhau, có một bộ phận không nhỏ người lao động đã không thông qua các công ty, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) cấp giấy phép mà đi theo các con đường bất hợp pháp, vừa nhiều rủi ro lại không được bảo hộ khi làm việc ở xứ người. Hiện nay, rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều đủ điều kiện, được cấp phép, làm ăn uy tín. Những trường hợp bị lừa chủ yếu là các công ty tạo nguồn, nghĩa là họ liên kết với các doanh nghiệp khác để tìm kiếm người có nhu cầu đi nước ngoài làm việc. Các doanh nghiệp này chỉ có chức năng tạo nguồn chứ không được trực tiếp đưa người lao động đi. Nhiều người không biết điều này cho nên đã đóng tiền cho các doanh nghiệp nhưng không đi được và rất khó đòi lại số tiền đã đóng.

Chế tài xử lý các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động và đưa người đi lao động trái phép rất nghiêm khắc, nhưng vì lợi nhuận rất lớn cho nên nhiều đối tượng bất chấp. Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thanh Hải (54 tuổi, ngụ tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, lợi dụng sự quen biết, Nguyễn Thanh Hải đã lừa nhiều người rằng mình có khả năng làm hồ sơ, giấy tờ để đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, qua đó thu số tiền 667 triệu đồng của 19 người để làm thủ tục. Sau khi nhận được số tiền trên, Hải đã tiêu xài cá nhân và không có khả năng đưa những người đã nộp tiền đi xuất khẩu lao động.

Bộ LÐ-TB và XH khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị nhận hồ sơ. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LÐ-TB và XH đăng tải đầy đủ tên của các đơn vị được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài cũng như các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, tất cả công ty xuất khẩu lao động đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Khi đến văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động nào đó mà thấy có "liên kết" với công ty khác, người lao động cần liên hệ ngay công ty đó để xem họ có liên kết thật không, hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động hoặc kiểm tra tên công ty đó có trong danh sách được cấp phép xuất khẩu lao động hay không trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LÐ-TB và XH. Khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần yêu cầu công ty xuất khẩu lao động ký trực tiếp với mình. Hợp đồng cần ghi rõ nơi làm việc (công ty, nhà máy, công trường… ở các nước). Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty đó đang lừa đảo.