Ý kiến bạn đọc

Cần trông giữ trẻ tại những nơi công cộng

Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) giải cứu cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi), ở TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) bị đối tượng Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê Cao Bằng) bắt cóc khi đang chơi ở Công viên Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh... Mặc dù đối tượng Nguyễn Thị Thu đã bị bắt giữ, vụ án đã được khởi tố và cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đã trở về với gia đình, nhưng sự việc nêu trên là một lời nhắc nhở nghiêm khắc với những người làm cha, làm mẹ trong việc trông giữ con tại những nơi công cộng...

Qua tìm hiểu, các đối tượng bắt cóc trẻ em với mục đích tống tiền hoặc bán cho các đường dây mua bán người. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường hướng đến các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, chủ  doanh  nghiệp lớn. Các đối tượng này thường tìm hiểu kỹ quy luật sinh hoạt của gia đình cũng như giờ đến lớp, giờ tan lớp, thông tin về cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo… của đứa trẻ. Những trẻ em ở độ tuổi từ 1 đến 3 cũng được các đối tượng chú ý bởi nhóm trẻ này thường thiếu kỹ năng, kiến thức phòng, chống các tình huống bị bắt cóc. Ngoài ra, các đối tượng cũng lợi dụng sự chủ quan, mất cảnh giác của những người thân khi trông giữ trẻ em ở những nơi vui chơi công cộng thực hiện hành vi bắt cóc. 

Để ngăn chặn loại tội phạm này, các bậc làm cha mẹ cần cẩn thận hơn trong việc trông giữ con, tự bảo vệ con tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là tại những nơi công cộng. Các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh cần chú trọng, quan tâm xây dựng các tình huống, trang bị kỹ năng giúp trẻ đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc. Dạy cho trẻ nhận biết những người lạ có thể tin tưởng, nhờ giúp đỡ khi cần thiết như thầy giáo, cô giáo, chú công an, bác bảo vệ nhà trường hoặc những bà mẹ có dắt theo con nhỏ trên đường. Thường xuyên dặn dò trẻ không nên nói chuyện hay đi theo người lạ; không được nhận bất cứ đồ vật nào của người lạ mặt cho, tặng. Các cha mẹ không nên đăng tải những thông tin của các con lên mạng, như họ tên đầy đủ, số điện thoại gia đình, địa chỉ hoặc trường học của các bé. Cha mẹ cần chủ động làm bạn với con để kịp thời nắm bắt mọi thông tin, tâm lý của trẻ. Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, cha mẹ cần bình tĩnh, hợp tác chặt chẽ với  cơ quan công an; không được tự ý làm điều gì khác ngoài sự hướng dẫn của các cán bộ, chiến sĩ công an... Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với những đối tượng phạm tội bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để góp phần ngăn chặn loại tội phạm này.

CHỬ TOÀN

(TP Hà Nội)