Theo đó hệ thống các giải quốc gia sẽ diễn ra trong hai năm, từ mùa thu năm trước đến mùa hè năm sau. Với lộ trình trên, Giải bóng đá vô địch quốc gia V.League sẽ khởi tranh vào đầu tháng 2 và kết thúc vào khoảng giữa tháng 8, ngắn nhất trong lịch sử 23 năm của giải V.League. Cũng theo lộ trình này, V.League sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt tính điểm, sau khi kết thúc giai đoạn lượt đi sẽ tách nhóm để thi đấu giai đoạn hai gồm nhóm đua vô địch và nhóm trụ hạng.
Trên thực tế thể thức thi đấu nói trên từng được tổ chức ở mùa giải 2020 nhưng sau đó không được ủng hộ tiếp tục do có những ý kiến cho rằng thể thức này khiến một số đội bóng hết mục tiêu khi vào giai đoạn hai và xảy ra tình trạng thi đấu thiếu nhiệt tình, cho điểm đội khác. Những ý kiến như thế không hẳn chính xác bởi cứ nhìn mùa giải 2022 thì có thể thấy với cách tổ chức thi đấu vòng tròn hai lượt, các đội ở nhóm giữa bảng cũng có nhiều trận thi đấu “cho xong” khi đã chắc chắn trụ hạng và không đủ lực tranh đua vô địch. Với thể thức thi đấu hai giai đoạn, cái lợi nằm ở chỗ giúp đội tuyển quốc gia và các CLB dễ dàng tham dự hệ thống các giải đấu do AFC và FIFA tổ chức. Bên cạnh đó nếu muốn tăng tính hấp dẫn của giải đấu thì không có cách nào khác ngoài việc các đội phải thi đấu nỗ lực bất kể rơi vào nhóm đấu nào, nhóm đua vô địch sẽ cạnh tranh khốc liệt để giành cúp trong khi nhóm trụ hạng thi đấu một mất một còn nhằm tránh suất xuống hạng. Do ở cả hai thể thức đều xảy ra tình trạng vào một giai đoạn nào đó một số đội sẽ thi đấu cầm chừng nên việc tuyên truyền, giám sát và có những chế tài là rất cần thiết để tăng tính chuyên nghiệp cho cầu thủ và đội bóng.
Bóng đá Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và dịch chuyển tiệm cận với trình độ châu lục nên việc áp dụng thể thức mới là điều hợp lý, cần tiến hành theo cách vừa làm vừa rút kinh nghiệm để dần có được hệ thống giải đấu hiện đại, phù hợp mô hình của các nền bóng đá phát triển.