Bài toán thích ứng

Từ châu Âu đến châu Á và cả Mỹ, khắp nơi đang phải vật lộn chống chọi nắng nóng bất thường, hạn hán kỷ lục và mưa lũ nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn làm nổi bật bài toán về ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: JAVIER CUBERO TORRES
Biếm họa: JAVIER CUBERO TORRES

Đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài từ đầu năm 2022 tại châu Âu vẫn tiếp tục, thậm chí tồi tệ hơn từ đầu tháng 8 vừa qua. Theo báo cáo của Đài Quan sát hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), đất đai ngày càng khô cằn do các đợt nắng nóng liên tiếp và thiếu mưa kéo dài, ảnh hưởng tới một loạt nước thành viên như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hà Lan, Hungary... và cả những nước không thuộc EU như Anh, Serbia, Moldova... Ước tính, hiện 17% diện tích châu Âu nằm trong danh mục báo động đỏ, cao hơn mức 11% được khảo sát hồi tháng 7. Theo báo cáo, với đà nắng nóng còn kéo dài, hạn hán có thể lan rộng tới khoảng 50% lãnh thổ EU và năm 2022 có thể là năm hạn hán nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong gần 500 năm qua.

Khắp châu Âu, nông dân đang gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của đợt hạn hán đang lan rộng. Viện Nghiên cứu khí quyển và khí hậu của Italy nhận định, năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng nhất, khô hạn nhất tại Italy từ năm 1800. Thời tiết cực đoan được dự đoán làm giảm ít nhất một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp của nước này. Bộ Nông nghiệp Hungary cho biết, mức thiệt hại về nông nghiệp do đợt hạn hán hiện nay cao gấp đôi tổng thiệt hại của cả 10 năm trước đó. Giới chức Slovenia lo ngại nguy cơ mất mùa hoàn toàn trong năm nay đối với nhiều trang trại. Các nhà sản xuất rượu vang ở Tây Ban Nha còn cho rằng, thời tiết khắc nghiệt có thể làm thay đổi cả hương vị của rượu...

Nhiều nơi tại châu Á cũng đang vật lộn với tình trạng nắng nóng khắc nghiệt và dai dẳng. Tại Trung Quốc, nắng nóng bất thường xảy ra tại nhiều khu vực, với mức độ nghiêm trọng nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu về thời tiết cực đoan cách đây 60 năm. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo, không khí nóng ẩm đang làm tăng nhiệt độ ở miền tây và khu vực dọc biển Nhật Bản. Cảnh báo nguy cơ “sốc nhiệt” đã được ban hành tại 12 tỉnh của Nhật Bản.

Những cơn mưa từ đầu tháng 8 giúp hạ nhiệt “cơn khát”, giảm bớt tình trạng hạn hán ở một số khu vực châu Âu. Song, mưa như trút nước kèm theo giông lại gây thiệt hại và hạn chế lợi ích mà mưa mang lại. Đài quan sát hạn hán toàn cầu của EU nhận định, lượng mưa bình thường sẽ được ghi nhận tại châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 tới, song vẫn không đủ để khôi phục hoàn toàn mực nước thất thoát trong hơn nửa năm vừa qua. Các nước EU ven Địa Trung Hải sẽ vẫn duy trì thời tiết ấm và khô hơn bình thường.

Trong khi đó, mưa bão gây lũ quét, lở đất hoành hành gây thiệt hại nặng về người và kinh tế tại nhiều nước. Sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua, khiến nhiều sông và hồ nước cạn kiệt, khu vực miền tây nam nước Mỹ lại đang chống chọi những trận mưa lớn. Mưa gây ngập sâu, lũ quét cuốn trôi nhiều ngôi nhà và công trình hạ tầng.

Cùng lúc với tình trạng nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt, nhiều vùng ở Trung Quốc cũng hứng chịu những đợt mưa xối xả, gây lũ quét, thậm chí làm thay đổi dòng chảy của sông, khiến nhiều người chết. Hàn Quốc còn công bố “khu vực thảm họa đặc biệt” đối với 10 địa phương bị thiệt hại lớn do mưa lũ kéo dài. Tại khu vực Nam Á, mưa bão cũng gây lũ lụt, lở đất khiến nhiều người chết ở Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan. Trong khi đó, Sudan cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu bang nước này do mưa lũ.

Hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề với ngành nông nghiệp, giá lương thực tăng cao, nguồn cung khan hiếm càng khiến khó khăn thêm chồng chất. Bài toán đặt ra không chỉ là nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn nước, mà còn là thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.