Bài toán khó vẫn có cách giải

Năng suất lao động thấp, chưa tương xứng tiềm năng là vấn đề đã được các cơ quan chức năng bàn tới từ nhiều năm qua. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vấn đề này tiếp tục thảo luận, cho thấy cần những chính sách tổng thể để cải thiện tình hình. Trong đó, giải pháp cốt lõi là chất lượng nguồn nhân lực phải được nâng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nếu không nâng cao chất lượng trong kỷ nguyên 4.0. Ảnh: bảo mai
Lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nếu không nâng cao chất lượng trong kỷ nguyên 4.0. Ảnh: bảo mai

Nhìn nhận sâu sắc, toàn diện hơn về chất lượng lao động

Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021 (chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 5,5%). Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2021 thấp hơn bảy lần so Malaysia, bốn lần so Trung Quốc, ba lần so Thái Lan, hai lần so Philippines và 26 lần so Singapore. Giám đốc ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng trưởng năng suất, trong đó, năng suất lao động là một khía cạnh quan trọng, bởi năng suất lao động gắn với gia tăng thu nhập. Trong khi tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhân lực. Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lý giải: Chất lượng lao động và năng suất lao động có quan hệ mật thiết với nhau. Người lao động có tay nghề, kỹ năng tốt, sử dụng được máy móc công nghệ hiện đại thì năng suất lao động tăng. Ngược lại, lao động giản đơn, lao động tay nghề thấp thì đương nhiên sẽ không cho năng suất cao được. "Đây là điều chúng ta đã nhìn thấy từ nhiều năm qua, là một bài toán khó nhưng vẫn có cách giải. Đã đến lúc phải nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc về chất lượng, trình độ của nguồn lao động để thực hiện các giải pháp hiệu quả", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay nhân lực qua đào tạo của Việt Nam chỉ đạt 24,6% theo chiến lược. Chất lượng lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (36,96%), sau đó là vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng trung du và miền núi phía bắc (25,99%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (25,75%). Thấp nhất là Tây Nguyên (16,51%) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (14,61%). Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), một đất nước với quy mô 55 triệu lao động, 100 triệu dân mà mỗi năm chỉ đào tạo 2,2 triệu lao động là con số quá nhỏ. Nhìn sang Singapore, nước này tuyển 60% tổng số học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hay tại Australia, cứ bốn người dân thì có một người học nghề. Mới đây, tại diễn đàn "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững", TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp cho biết, chất lượng lao động được xem là yếu tố then chốt trong thời hội nhập, quyết định trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững. Thị trường lao động phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng liên tục tăng cao, sẽ ảnh hưởng tới việc làm của những lao động trình độ thấp và trung nếu họ không trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.

Từ giải pháp đến mô hình

Đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phải tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rất cần các giải pháp tổng thể. Trước mắt, cần tiến hành đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, vùng, đặc biệt là nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Từ đó rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ở góc độ đào tạo, TS Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: Trong quá trình hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động trong nước sẽ khó cạnh tranh với lao động khu vực ASEAN. Để không bị tụt hậu, chúng ta phải tăng năng suất lao động bằng cách tăng chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là điều được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Tăng năng suất lao động, nguồn nhân lực là bài toán khó, nhưng vẫn có cách nếu chúng ta có quyết tâm cao.

Cũng theo TS Phạm Xuân Khánh, tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình đào tạo, cần bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung-cầu lao động có kỹ năng nghề nghiệp. Theo đó, cần phát triển mô hình gắn kết chặt chẽ nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp, thông qua các cơ chế, chính sách, ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ chương trình giáo dục nghề nghiệp. Cần chú trọng phát triển các chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn mực, chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp học viên có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phù hợp thách thức hội nhập. Trình độ tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động Việt Nam để đạt được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động của khu vực ngày càng hội nhập, cũng như tham gia vào nền kinh tế dịch vụ.

Ông Lê Ðình Kha, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cao Thắng:

Từ nhu cầu đơn vị sử dụng lao động cần người lao động kỹ thuật, có tay nghề cao, cần phải đa dạng hóa hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy. Chúng tôi cũng đã tích cực đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực, giúp các em học sinh có được việc làm tốt sau khi ra trường. Chúng tôi cũng linh hoạt trong quá trình đào tạo tại nhà trường, phù hợp điều kiện sản xuất tại doanh nghiệp. Ngoài ra hằng năm chúng tôi đều tổ chức các chương trình hợp tác, thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho sinh viên; khuyến khích giáo viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, đề xuất sáng kiến thúc đẩy hợp tác.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam):

Có nhiều tiêu chí để đánh giá một nhân lực, nhưng quan trọng nhất mà chúng ta phải lưu ý đó là kỹ năng nghề và thái độ trong công việc. Ngoài nhiều giải pháp về đào tạo, đầu tư công nghệ thì một trong những cách khuyến khích người lao động say mê làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, đơn vị là tăng lương, thưởng. Khi có đời sống tương đối ổn định, môi trường làm việc tốt, người lao động cũng sẽ có ý thức hơn trong việc nâng cao trình độ, năng lực.