Bài toán "giữ chân" y, bác sĩ

Tình trạng xin nghỉ việc ở khu vực y tế công vẫn đang tiếp diễn tại hầu khắp các địa phương trong cả nước, gây ảnh hưởng lớn đến năng lực hoạt động của các bệnh viện. Nâng cao thu nhập tương xứng với công sức lao động, tạo môi trường làm việc hiện đại, năng động cùng cơ hội nâng cao tay nghề, thăng tiến... là những giải pháp căn cơ để có thể "giữ chân" nhân viên y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn Hà Nội giai đoạn chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Đạt
Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn Hà Nội giai đoạn chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Đạt

Áp lực bủa vây

Vấn đề thu hút và "giữ chân" bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công tại Lào Cai, một địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn vẫn là thách thức lớn. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 25 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có chín bác sĩ. Nhiều lý do khiến các bác sĩ xin nghỉ việc, nhưng chủ yếu vẫn là do thu nhập thấp nên chuyển ra làm việc cho đơn vị y tế tư nhân, một số tự mở phòng khám riêng.

Có thể kể đến trường hợp một bác sĩ chuyên khoa I tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Cách đây vài năm, vợ anh cũng là bác sĩ ở cùng đơn vị đã xin thôi việc để ra làm tại bệnh viện tư nhân. Cả hai trường hợp này đều được đơn vị tạo điều kiện đào tạo lên đại học và sau đại học, có trình độ chuyên môn vững. Một trường hợp khác là bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, được đào tạo từ y sĩ lên bác sĩ và đang học chuyên khoa I, nhưng cũng xin nghỉ việc, chấp nhận bỏ ngang việc học.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: Khi các bác sĩ xin nghỉ việc, Sở đều vận động họ ở lại. Có những trường hợp, đã ba lần Sở không giải quyết đơn xin nghỉ việc, nhưng không thay đổi được tâm ý và đành phải giải quyết. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, trong số 15 bác sĩ xin nghỉ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có tám bác sĩ sau đại học, hầu hết là các bác sĩ chuyên khoa lẻ, dễ hoạt động độc lập, như răng-hàm-mặt, chẩn đoán hình ảnh.

Tương tự tại tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2021 đến nay, qua thống kê có 53 người xin thôi việc, trong đó có 21 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 5 kỹ thuật viên và 15 viên chức y tế khác. TS Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đánh giá: Thu nhập thấp, lương, chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong khi hệ thống y tế tư nhân lại có chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt, cộng thêm sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 thời gian qua khiến cho "làn sóng" y, bác sĩ khu vực công rời bỏ hệ thống lan rộng hơn trước.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, y sĩ Đặng Thị Thu, Trạm Y tế xã Tân Hòa (Phú Bình, Thái Nguyên) chia sẻ: "Nhiều người vẫn cho rằng công việc của những người làm y tế cơ sở rất nhàn, song thực chất thì chúng tôi triển khai rất nhiều việc, từ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tới công tác dự phòng và khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Áp lực là vậy, nhưng thu nhập của cán bộ y tế ở cơ sở dù công tác hàng chục năm cũng chưa bằng các em sinh viên mới ra trường làm ở y tế tư nhân. Chúng tôi muốn gắn bó với nghề, nhưng cũng có rất nhiều trăn trở".

Chế độ đặc biệt cho ngành đặc biệt

Cần khách quan nhìn nhận, vấn đề bác sĩ dịch chuyển từ y tế công lập sang y tế tư nhân không phải là câu chuyện mới. Ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: Mặc dù số lượng y, bác sĩ xin nghỉ việc không nhiều như những tỉnh, thành phố khác, nhưng đó là vấn đề phải quan tâm, nhất là trong bối cảnh hoạt động y tế tư nhân phát triển mạnh, với nhiều cơ chế hấp dẫn về thu nhập. Lào Cai đã có chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và nhận được sự đồng thuận của số đông cán bộ y tế. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần xem xét có chính sách hỗ trợ đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, cán bộ y tế cơ sở, đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị y tế, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên y tế. "Nếu không khẩn trương thực hiện thì đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên sẽ rời bỏ bệnh viện công để đến với các cơ sở y tế tư nhân", Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương nhấn mạnh.

Trăn trở với thực trạng này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên - TS Đặng Ngọc Huy chia sẻ: "Giữ chân" y, bác sĩ khu vực công là một bài toán khó, nhưng không phải không có cách. Việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách và tăng sức hấp dẫn của các cơ sở y tế công lập là giải pháp cần thiết để cân bằng nguồn nhân lực y tế; để có thể thu hút được bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt tuyến huyện, tuyến xã cần phải có giải pháp bền vững; kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ, thu hút đối với đội ngũ bác sĩ; đồng thời bảo đảm các chế độ chính sách khác như thâm niên nghề, đãi ngộ, chính sách thu hút để bác sĩ yên tâm công tác…

Liên quan vấn đề đang rất "nóng" này, Bộ Y tế cho biết, đã và đang thực hiện một số giải pháp để góp phần ổn định, phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập, trong đó xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như đề xuất: tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; chế độ phụ cấp chống dịch (phụ cấp thường trực chống dịch và phụ cấp trực tiếp chống dịch Covid-19).

Y tế là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Thật khó để nhân viên y tế "gồng gánh" nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc rất cao nhưng thu nhập không đủ để trang trải những chi phí cần thiết của cuộc sống. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có những giải pháp để cải thiện môi trường làm việc của hệ thống cơ sở y tế công lập.