Bài toán gây chia rẽ

Lời kêu gọi cấm cấp thị thực cho du khách Nga trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), bắt nguồn từ Ukraine, đang gây chia rẽ giữa các thành viên của khối. Những ý kiến trái chiều liên quan vấn đề này cho thấy EU chưa thể chấm dứt hoàn toàn những lợi ích liên quan Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AGIM SULAJ
Biếm họa: AGIM SULAJ

Theo AP, một số nước thành viên EU ở khu vực Baltic và Bắc Âu đã quyết định hạn chế cấp thị thực, hoặc tăng chi phí làm thị thực cho du khách Nga. Ngày 16/8 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, nước này sẽ giảm số lượng thị thực du lịch cấp cho công dân Nga xuống còn 10% so con số hiện tại.

Trong một phát biểu, Bộ trưởng Haavisto nêu rõ, Phần Lan không chấm dứt nhưng sẽ giảm đáng kể số lượng thị thực du lịch cấp cho công dân Nga. Theo đó, Bộ Ngoại giao Phần Lan sẽ rút ngắn số giờ mở cửa tiếp nhận đăng ký thị thực từ ngày 1/9 tới, qua đó giảm số thị thực du lịch cấp cho các công dân Nga. Điều này đồng nghĩa rằng các loại thị thực khác như thăm thân, liên hệ gia đình, làm việc và học tập sẽ được ưu tiên tiếp nhận và thời gian tiếp nhận trong ngày cũng sẽ kéo dài hơn.

Hiện, Phần Lan xử lý khoảng 1.000 đơn xin thị thực từ công dân Nga mỗi ngày. Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng cho biết, nước này ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine về dừng cấp thị thực giữa EU và Nga, theo đó, chi phí làm thị thực du lịch cho công dân Nga sẽ tăng từ mức 35 lên 80 euro. Trong khi đó, Ba Lan, Litva, Estonia, Czech và một số quốc gia Bắc Âu khác đã ngừng cấp một số thị thực nhất định với công dân Nga - những người mà theo quan điểm của họ là “nên nếm trải cái giá phải trả” của tình hình hiện nay.

Ngày 18/8, phát biểu ý kiến tại một cuộc họp, Phó Vụ trưởng Thông tin và báo chí của Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev cho biết, nước này sẽ “không thể không phản ứng” với quyết định của Phần Lan về cắt giảm thị thực du lịch cho người Nga. Ông Ivan Nechaev lưu ý rằng, quyết định của chính quyền Phần Lan hạn chế việc chấp nhận đơn xin thị thực vào Phần Lan của công dân Nga được sắp đặt trong một chiến dịch bài Nga khác ở các nước EU do các nước Baltic khởi xướng.

Trong khi đó, lệnh cấp thị thực nói trên đã gây ra một số chia rẽ và bất đồng giữa các thành viên EU. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông không ủng hộ lệnh cấm đi lại trên toàn EU đối với công dân Nga. Cụ thể, nhà lãnh đạo Đức từ chối ủng hộ những lời kêu gọi ngày càng gia tăng đối với lệnh cấm trên toàn EU đối với việc cấp thị thực du lịch với công dân Nga, ngay cả khi một số quốc gia Bắc Âu hành động đơn phương đưa ra các hạn chế về thị thực của họ. Phát biểu ý kiến tại Thủ đô Oslo của Na Uy sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Bắc Âu ngày 16/8, ông Scholz nói: “Đây không phải là cuộc chiến của nhân dân Nga. Chúng ta phải hiểu rõ ràng về vấn đề đó”.

Thủ tướng Đức từng cho rằng, lệnh cấm toàn diện đối với tất cả người Nga sẽ làm suy yếu mục đích và tác dụng của các biện pháp trừng phạt đối với những người ủng hộ cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đó, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, lệnh hạn chế thị thực trên toàn châu Âu với người Nga là bất hợp lý và nên xem xét cụ thể với từng trường hợp xin thị thực. Pháp và Hà Lan cũng có chung quan điểm khi cho rằng, không nhất thiết phải hạn chế hay cấm cấp thị thực cho du khách Nga, bởi điều này không tác động đáng kể tới cục diện xung đột ở Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Czech, Jan Lipavsky cho biết, ông muốn nêu vấn đề này tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU ở Praha vào ngày 31/8 tới.

Như vậy, ngoài bất đồng về cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, các thành viên EU còn phải tìm đáp án chung cho bài toán khác về có cấm hay không việc cấp thị thực trên toàn khối. Sự chia rẽ sẽ ngày càng lớn khi khác biệt giữa các thành viên liên quan lợi ích với Nga còn tồn tại.