Bài toán bảo đảm nguồn cung lương thực

Tìm kiếm nguồn cung lương thực là một trong những chủ đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra mới đây tại bang Schleswig-Holstein, miền bắc nước Ðức. Ðây cũng là vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực vốn đang chịu tác động nghiêm trọng bởi xung đột và biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Hội nghị G7 lần này trong bối cảnh đang diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine. Bộ trưởng Annalena Baerbock cho rằng, do Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của thế giới nên cuộc xung đột ở nước này tác động lớn tới an ninh lương thực toàn cầu, khi hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ðức cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trước tiên ở châu Phi và Trung Ðông do hậu quả của xung đột vì hiện có tới 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị phong tỏa tại các cảng ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng lương thực càng trầm trọng hơn dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ukraine hiện là một trong số các nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng nhất trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2021, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mạch lớn thứ ba và xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới.

G7 muốn bảo đảm để Ukraine tiếp tục là nước xuất khẩu lương thực quan trọng của thế giới thông qua việc tìm cách "phá" các phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraine. Canada cho biết, nước này đã đàm phán với các quốc gia khác trong G7 và các nước châu Âu về việc cử tàu của Canada đến các cảng ở Romania để hỗ trợ Ukraine đưa lúa mì của nước này đến các thị trường phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Ukraine.

Các ưu tiên của Canada trong thời gian tới là đưa lúa mì của Ukraine ra thị trường nước ngoài, cùng với việc bảo đảm an toàn cho các hầm chứa ngũ cốc để cất trữ mặt hàng này trong vụ thu hoạch tiếp theo. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này đang xem xét các giải pháp hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, trong đó xuất khẩu qua các cảng trên sông Danube có thể là một giải pháp, đồng thời sẽ viện trợ 25 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) nhằm giúp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hơn 20 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đã ra tuyên bố chung về tăng cường an ninh lương thực toàn cầu. Các chính phủ và tổ chức quốc tế này đã nhấn mạnh tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc duy trì thương mại và các thị trường nông sản rộng mở, có thể đoán định.

Ðiều này sẽ giúp bảo đảm dòng chảy liên tục của thực phẩm, cũng như các sản phẩm, dịch vụ và đầu vào thiết yếu cho sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm. Qua đó, các nước cam kết sẽ cùng phối hợp để giúp bảo đảm lương thực và các thực phẩm dinh dưỡng một cách đầy đủ, an toàn, với giá cả phải chăng và dễ dàng tiếp cận.

Trong khi đó, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Ðức có kế hoạch bổ sung 430 triệu euro để ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng ở nam bán cầu. Dự kiến, trong tổng số tiền bổ sung này sẽ có 238 triệu euro dành cho hỗ trợ xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững hay đầu tư cho giáo dục; 150 triệu euro cho sáng kiến đặc biệt mang tên "Một thế giới không còn người bị đói" và ít nhất 42 triệu euro đóng góp cho WFP.

Các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang nỗ lực tìm nguồn cung mới, sau khi Ấn Ðộ cấm xuất khẩu mặt hàng này nhằm hạn chế giá trong nước tăng cao do một đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sản lượng. Theo các chuyên gia, các nhà nhập khẩu lúa mì, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Ðộ-nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới.

Một công ty kinh doanh lúa mì có trụ sở tại châu Âu nhận định, các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á có nguy cơ gặp khó khăn lớn vì Ấn Ðộ là lựa chọn thay thế nguồn cung từ Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với loại lúa mì làm thức ăn cho gia súc. Sau khi các thị trường phản ứng với lệnh cấm của Ấn Ðộ, giá lúa mì thuộc các hợp đồng kỳ hạn tại thành phố Chicago (Mỹ) đã tăng 6%. Các thương nhân dự báo lệnh cấm này có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, tác động mạnh đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.

Theo cảnh báo của WFP, hiện có hơn 300 triệu người phải đối mặt nạn đói nghiêm trọng và các dự báo về nguy cơ liên tục được điều chỉnh tăng lên. Dự báo xấu là thế giới có thể phải đối mặt nạn đói nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, với hàng triệu nạn nhân. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất lương thực bị đình trệ, nhiều quốc gia ráo riết tìm kiếm và quản lý nguồn cung nhằm giải bài toán an ninh lương thực.