Bài học từ “banjiha”

Sau trường hợp một gia đình tử vong thương tâm do mưa lớn ngập vào nhà, chính quyền Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã đình chỉ hoàn toàn cấp giấy phép xây dựng đối với các căn hộ ở tầng hầm hoặc bán hầm sử dụng cho mục đích làm nhà ở thấp hơn mặt đường. Tuy nhiên, do các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo ngày càng gia tăng, quyết định trên của chính quyền Seoul cần đi kèm việc cải tạo cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng dọn dẹp một căn hộ ngầm sau trận mưa lịch sử ở Seoul. Ảnh: AFP
Lực lượng chức năng dọn dẹp một căn hộ ngầm sau trận mưa lịch sử ở Seoul. Ảnh: AFP

Lệnh cấm cấp phép xây nhà ở tầng hầm, hay còn được gọi là “banjiha”, được đưa ra sau khi xảy ra trận mưa lớn lịch sử ở Seoul từ ngày 8 đến 9/8 vừa qua, khiến nhiều người mắc kẹt bên trong những căn hộ ở thấp hơn mặt đường. Do các căn hộ nằm ngầm dưới lòng đất hoặc bán ngầm nên nước có thể tràn vào rất nhanh song lại khó thoát ra khi gặp tình huống khẩn cấp. Đây cũng được cho là nguyên nhân một gia đình ba người thiệt mạng vì ngập nước ở Seoul vừa qua.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 10/8, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã công bố một kế hoạch ưu đãi về tài chính với thời hạn từ 10 đến 20 năm cho chủ sở hữu những ngôi nhà có tầng hầm hoặc bán hầm chuyển đổi mục đích sử dụng ngoài lưu trú. Các không gian “banjiha” sau đó sẽ được sử dụng làm nhà kho hoặc mục đích khác. Chính quyền thành phố cũng đề xuất hỗ trợ nhà công cộng giá rẻ cho thuê để người dân sử dụng.

Theo điều tra dân số năm 2020 của Hàn Quốc, có khoảng 330.000 ngôi nhà “banjiha” trên toàn quốc, với khoảng 200.000 căn ở Seoul. Vì vậy, chính quyền xác định việc xóa sổ các căn hộ này cần thời gian và tác động chính sách lâu dài. “Chính sách chúng tôi đang thực hiện không phải là tạm thời, mà là một giải pháp cơ bản để bảo vệ sự an toàn và ổn định nhà ở cho người dân”, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon tuyên bố.

Ông Oh Se-hoon đã từng giữ chức Thị trưởng Seoul từ năm 2006 đến 2011. Trong thời gian đó, do hậu quả của trận lũ lụt nghiêm trọng vào năm 2010, ông Oh đã yêu cầu cấm cấp giấy phép xây dựng mới đối với các tòa nhà có “banjiha”. Tuy nhiên, sau đó vẫn có tới 40.000 căn hộ kiểu này được xây dựng tại thủ đô của “xứ kim chi”. Kiểu căn hộ bán ngầm lại càng gây ấn tượng khi xuất hiện trong bộ phim Hàn Quốc được giải Oscar “Ký sinh trùng” (Parasite), lột tả sự chênh lệch về mức sống và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội nước này.

Trận mưa lớn vừa qua một lần nữa làm lộ ra những bất cập còn tồn tại của bài toán “banjiha” hóc búa ở Seoul. Để đối phó lũ lụt lớn có thể xảy ra trong tương lai, chính quyền thành phố cam kết sẽ tăng chi tiêu cho các dịch vụ phòng, chống lũ lụt. Đồng thời, ông Oh Se-hoon cũng đã công bố các biện pháp như xây dựng hệ thống chứa và thoát nước mưa dưới lòng đất tại khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến nhận định động thái của giới chức Seoul vẫn chưa chạm được đến các vấn đề cơ bản, chẳng hạn như gánh nặng chi phí nhà ở quá lớn đối với các hộ gia đình thu nhập thấp hay chênh lệch giàu nghèo ngày càng cách biệt. Các chuyên gia cho rằng, các nhà quy hoạch thành phố cần ưu tiên phòng, chống lũ lụt đặc biệt là đối với các đơn vị nhà ở giá rẻ trong bối cảnh những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy có thể diễn ra bất cứ lúc nào và thiệt hại có thể sẽ còn tăng thêm.

Theo GS Kim Seung-hee, chuyên gia về phúc lợi nhà ở tại Trường đại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc), tình trạng giá nhà ở tăng cao và thiếu nhà cho thuê sẽ là thách thức lớn khi yêu cầu những cư dân chuyển ra khỏi “banjiha”. Một nguyên nhân chính của việc tăng giá nhà ở là sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp, thế hệ và khu vực, vốn chịu ảnh hưởng sâu xa từ các vấn đề xã hội và kinh tế vĩ mô. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần thiết lập một hệ thống phòng chống thiên tai và cứu trợ tốt hơn, chú trọng hơn đến những người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.